Dựa trên cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành nông nghiệp thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng cần có sự thay đổi tư duy và phương thức canh tác truyền thống, nhỏ lẻ.
(TTXVN) Cần chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang làm “kinh tế nông nghiệp” là thông điệp được đưa ra tại Hội nghị Khoa học nông nghiệp quốc tế “Nông nghiệp sáng tạo cho phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”, do trường Đại học Cần Thơ tổ chức, ngày 8/12.
Theo đó, với sự chuyển mình mạnh mẽ của thế giới dựa trên cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành nông nghiệp thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng cần có sự thay đổi tư duy và phương thức canh tác truyền thống, nhỏ lẻ, trọng số lượng sang nông nghiệp công nghệ cao, tự động hóa, quy mô lớn, chất lượng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đức (Hội Chăn nuôi Việt Nam) cho rằng: Nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là ngành sản xuất được áp dụng đồng bộ tất cả các công nghệ: Thông tin, sinh học, vật liệu mới và tự động hóa. Trong đó, cần chú trọng công tác chọn và cải tiến giống thích nghi cao nhất với môi trường sống, đặc biệt là những nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu như Đồng bằng sông Cửu Long.
Một trong những giải pháp sáng tạo mang hàm lượng công nghệ cao là ứng dụng công nghệ di truyền học (di truyền số lượng kết hợp di truyền phân tử) để nâng cao chất lượng giống. Song song đó, tăng cường công tác số hóa trong quản lý và khai thác giống.
Cùng bàn về những giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại vào nông nghiệp, nhằm chuyển hướng từ mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung (trường Đại học Cần Thơ) đề cập đến giải pháp IIKP (Integrated Information & Knowledge Platform - Nền tảng tích hợp thông tin và kiến thức).
Theo đó, những công cụ hỗ trợ nông nghiệp sẽ hoàn toàn được tự động hóa nhằm chuyển tải thông tin đến người sản xuất một cách nhanh và chính xác nhất. Đó là những dữ liệu quan trắc (IoT), dữ liệu viễn thám, dữ liệu đặc tính đất đai, thông tin chính sách, thời tiết, thị trường…
Không những thế, phần mềm còn giúp phân tích tổng hợp, đề xuất giải pháp để người dùng có thể thao tác quyết định chỉ bằng một nút chạm. Điều này sẽ giúp cho ngành nông nghiệp tránh được những rủi ro khi canh tác theo tập quán trong bối cảnh biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay. Đồng thời, nông dân sẽ giảm thiểu các chi phí phát sinh về hao hụt sau thu hoạch, nhân công…, từ đó gia tăng thu nhập.
Chia sẻ sâu về mô hình “Nông nghiệp thông minh – Nông nghiệp đô thị”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Việt Dũng, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ nêu nhiều mô hình nông nghiệp đô thị công nghệ cao trên thế giới mà Việt Nam có thể học hỏi.
Tiêu biểu như những mô hình “trang trại” tập trung trong nhà xưởng, container, sân thượng… ngay trong lòng các thành phố lớn ở Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Nigeria. Cây được xếp thành nhiều tầng, chiếu đèn led thay cho ánh sáng mặt trời.
Hơn thế nữa, nông sản ngay khi thu hoạch sẽ được chuyển thẳng đến nhà máy chế biến để đảm bảo độ tươi ngon cũng như đáp ứng tốt theo đặc thù nhu cầu thị trường. “Cây ngô có thể được thu hoạch khi vừa trổ bông thay vì đợi lấy bắp, củ khoai tây thu hoạch khi đạt độ ngọt cao nhất thay vì phải đợi củ “già nhất”, cám gạo sẽ trở thành chính phẩm thay vì chỉ là phụ phẩm của gạo vì có thể chế biến thành mỹ phẩm đắt tiền. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi sâu sắc tư duy nông nghiệp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Việt Dũng nhấn mạnh./.