Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đô Lương triển khai chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến tất cả xã, thị trấn trong huyện.
Học phí tăng, chi phí đắt đỏ tại các thành phố lớn không chỉ là nỗi băn khoăn khi lựa chọn nguyện vọng của học sinh cuối cấp mà còn là áp lực của mỗi bậc phụ huynh. Dù biết trước học phí tăng theo lộ trình mỗi năm nhưng nhiều gia đình ở Nghệ An vẫn không khỏi lo lắng khi nghe tin về mức học phí mới.
*Cân nhắc bài toán học phí
Với số điểm xét tuyển khá cao, em Phan Hữu Sơn, cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh đã đỗ vào Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Học phí ngành Y khoa tại trường này dự kiến là 82,2 triệu đồng/năm, tại Khoa Y - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là 62,2 triệu đồng/năm, trong khi đó học phí ngành Y khoa tại Trường đại học Y Dược - Đại học Huế là 48,9 triệu đồng/năm. Sau khi cân nhắc, em lựa chọn học tại Trường Đại học Y Dược của Đại học Huế.
“Hoàn cảnh gia đình em không dư giả, bố mẹ đều là viên chức nhà nước, em trai đang học lớp 12. Nếu học ở Thành phố Hồ Chí Minh, không những học phí tăng theo từng năm mà chi phí sinh hoạt nơi đây cũng rất đắt đỏ. Vì vậy, em nghĩ học ở Đại học Huế sẽ phù hợp với hoàn cảnh gia đình em hơn”, em Hữu Sơn chia sẻ.
Thay vì chọn ngành, trường yêu thích, Nguyên Bình, cựu học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh quan tâm nhiều hơn đến học phí của những ngành, ngôi trường mà em theo học khi đăng ký xét tuyển vào đại học. Chính vì thế, dù có cơ hội đỗ vào ngành em yêu thích ở Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội nhưng thí sinh này quyết định chọn một trường đại học ở phía Nam.
“Mong muốn của em là học hệ chất lượng cao nhưng mức học phí của ngành này lại cao gần gấp đôi, khoảng hơn 40 triệu đồng/năm. Đây là mức học phí vượt quá khả năng của gia đình em”, em Nguyên Bình bày tỏ.
Do không chọn được ngành phù hợp nên ngày cuối cùng đăng ký nguyện vọng, thí sinh này quyết định chuyển sang các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh và tiêu chí đầu tiên vẫn là các trường công lập. Hiện, thí sinh này đủ điểm để đỗ nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, em gần như chắc chắn chọn ngôi trường này vì học phí cho chương trình đại trà chỉ khoảng 15 triệu đồng/học kỳ.
Đến thời điểm này, hầu hết các trường đại học trên cả nước đã công bố học phí năm học 2024 - 2025. Đúng như lộ trình mỗi năm tăng từ 8 -10%, hiện mức học phí mới của các trường đều tăng từ 1 đến vài triệu đồng so với năm học trước.
Thực tế cũng cho thấy, xu hướng hiện nay các trường đại học đều đào tạo song song nhiều chương trình gồm: Chương trình đại trà, chương trình chất lượng cao và chương trình tiên tiến. Trong đó, hai chương trình sau thường được đào tạo cao hơn (đào tạo bằng tiếng Anh, giáo trình nước ngoài)… nên sinh viên muốn học chương trình có chất lượng buộc phải lựa chọn ngành có học phí cao. Áp lực đối với các gia đình cho con học đại học vì thế tăng lên nhiều lần.
“Hai vợ chồng tôi đều là công chức, thu nhập chỉ hơn 20 triệu đồng/tháng. Năm nay, con đầu vào đại học, tính toán chi ly thì cũng gần 10 triệu đồng/tháng, bao gồm tiền học phí, tiền ăn, ở và chi phí sinh hoạt, chiếm gần một nửa thu nhập của gia đình. Số tiền còn lại, gia đình phải chắt bóp, tiết kiệm mới đủ chi tiêu trong một tháng”, chị Lê Hồng Vân, phường Hưng Bình, thành phố Vinh chia sẻ.
*Trao cơ hội học tập
Để giúp các tân sinh viên có thêm nhiều cơ hội đến trường, ngay đầu tuần này, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đô Lương triển khai chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến tất cả xã, thị trấn trong huyện.
“Với một vùng đất hiếu học như huyện Đô Lương, mỗi năm có hàng nghìn sinh viên đang học tại các trường đại học. Rất nhiều em trong số đó là đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc gia đình có khó khăn về tài chính. Các trường hợp này nếu có nhu cầu đều được Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay vốn là 4 triệu đồng/tháng”, ông Lê Quang Hiếu, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đô Lương cho biết.
Trên toàn tỉnh, theo thống kê từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An, đến nay, có hơn 8.900 sinh viên được vay vốn theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh sinh viên với tổng dư nợ là hơn 490 tỷ đồng. Trong đó, riêng từ đầu năm 2024 đến nay, có 560 sinh viên vay mới, nhiều nhất là các huyện Thanh Chương, Yên Thành, Đô Lương, Tân Kỳ, Diễn Châu, Quỳnh Lưu.
Ông Phan Thanh Huyền, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, thủ tục cho sinh viên vay vốn hiện nay khá đơn giản, sinh viên được vay tối đa 20 triệu đồng/học kỳ. Bên cạnh đó, chương trình này cho phép các sinh viên được vay vốn theo số năm thực học, thời gian trả nợ bằng thời gian học cộng 1 năm ân hạn cho sinh viên tìm việc làm. Nghĩa là một sinh viên học 4 năm, thời gian vay 4 năm và hạn trả nợ là 9 năm kể từ ngày vay nên các em sẽ không chịu quá nhiều áp lực về việc phải trả nợ.
Qua nhiều năm thực hiện, chương trình tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống. Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn giảm đi áp lực tài chính, trao cơ hội để tân sinh viên được học tập, lập thân, lập nghiệp, ông Phan Thanh Huyền cho biết thêm.
Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng giúp học sinh, sinh viên tiếp cận vốn nhanh, sử dụng đúng mục đích, đưa nguồn vốn của Chính phủ phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống. Đồng thời thực hiện nhiều biện pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động ủy thác với tổ chức chính trị - xã hội các cấp./.
- Từ khóa:
- Cân nhắc
- "bài toán học phí"
- chọn ngành
- chọn trường