Xã hội

Tạo cơ hội lựa chọn ngành nghề phù hợp trong tương lai cho học sinh, sinh viên

Thời gian qua, công tác giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Nam đã gắn với thị trường lao động, với doanh nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm.

TTXVN - Sáng 20/4, tại trường Cao đẳng Nghề Hà Nam, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và giải quyết việc làm năm 2024.

Học sinh, sinh viên, phụ huynh tham gia ngày hội và được tư vấn tại các gian hàng. 
Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Tham gia Ngày hội có hơn 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và trung tâm dịch vụ việc làm, với hơn 20 gian hàng tư vấn, cùng 1.000 học sinh, sinh viên các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, các trường trung cấp, cao đẳng, đoàn viên thanh niên và người lao động trên địa bàn.

Tại đây, học sinh, phụ huynh, người lao động được tham quan, tư vấn trực tiếp, trải nghiệm thực tế về nghề nghiệp và thị trường lao động thông qua các gian hàng tư vấn tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp. Qua đó các em có cơ hội lựa chọn ngành nghề tương lai phù hợp với năng lực, sở trường và nguyện vọng của bản thân, gia đình, cũng như đáp ứng nhu cầu lao động hiện tại của xã hội.

Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nam Đặng Xuân Hải cho biết, tỉnh đang thúc đẩy, đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục nghề nghiệp; đối tượng được quan tâm nhất chính là học sinh, sinh viên. Trong đó, đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” đề ra mục tiêu đến 2025 phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng. Việc định hướng sớm nghề nghiệp, xây dựng, phát huy năng lực của mỗi cá nhân ngay khi mới tốt nghiệp sẽ giúp các em có nhiều thuận lợi trên con đường sự nghiệp sau này.

Ngày hội là dịp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp giới thiệu trực tiếp, đầy đủ đến học sinh, phụ huynh, người lao động về tiềm năng, thế mạnh, ngành nghề, quy mô đào tạo, phương thức tuyển sinh của các trường, thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước. Ngày hội kết nối, thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - doanh nghiệp giúp doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng nguồn nhân lực theo nhu cầu; tạo cơ hội giới thiệu hình ảnh, thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp… Đặc biệt, Ngày hội góp phần thúc đẩy công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh, toàn xã hội về định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên - Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nam khẳng định.

Tỉnh Hà Nam hiện có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 5 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 3 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp khác. Năm học 2023 -2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh, đào tạo cho 20.800 người, đạt 100% so với kế hoạch đề ra. Trên 95% học sinh, sinh viên trung cấp, cao đẳng có việc làm ngay sau tốt nghiệp với thu nhập bình quân từ 6-10 triệu đồng/tháng; nhiều ngành nghề 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay với mức thu nhập cao, hàng chục triệu đồng/tháng. Tỷ lệ phân luồng học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt khoảng 36,5%; học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt khoảng 18% . Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 74%, trong đó lao động qua đào tạo có chứng chỉ bằng cấp đạt 58%. Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 28.494 người (đạt 114% kế hoạch), trong đó xuất khẩu lao động 1.301 người; giải quyết việc làm thêm cho 25.240 người.

Thời gian qua, công tác giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Nam đã gắn với thị trường lao động, với doanh nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm. Qua đó, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với doanh nghiệp được xem là mục tiêu trọng tâm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo; nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trước cuộc cách mạng khoa học, công nghệ 4.0./.

Nguyễn Trọng Đại Nghĩa

Xem thêm