Hải Phòng có 52 bến cảng thuộc hệ thống các Cảng biển Việt Nam. Hệ thống kho, bãi phục vụ cho dịch vụ logistics đạt hơn 700 ha với khoảng hơn 60 kho bãi chính bao gồm hệ thống kho bãi tại các cảng biển.
Với lợi thế về hạ tầng, nhiều cảng nước sâu, đầu mối giao thông thuận lợi, Hải Phòng có nhiều ưu thế trong phát triển cảng biển và logistics, góp phần thúc đẩy kinh tế biển phát triển. Hiện thành phố đang tập trung đầu tư phát triển hệ thống cảng nước sâu và thúc đẩy hoạt động logistics tăng trưởng.
* Đầu tư khai thác hệ thống cảng nước sâu
Theo Trung tá Đoàn Hải Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT), hiện đã có 25 hãng tàu lớn trên thế giới đưa tàu vào khai tác tại khu bến cảng nước sâu Lạch Huyện; gần 10.000 khách hàng xuất nhập khẩu sử dụng dịch vụ của cảng và 800 khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ cảng điện tử Eport. Năm 2023, số lượng tàu qua cảng đạt 556 lượt, với sản lượng hàng hóa thông qua đạt 1.272.859 teus, nộp ngân sách Nhà nước 130 tỷ đồng, tăng 50 tỷ so với cùng kỳ năm 2022. 6 tháng năm 2024, số lượng tàu qua cảng là 258 lượt với lượng hàng hóa thông qua đạt 799.536 teus.
Lợi thế của khu bến cảng nước sâu Lạch Huyện là, hàng hóa xuất, nhập khẩu từ khu vực miền Bắc sẽ đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ, không phải trung chuyển qua các cảng khác như trước đây. Qua đó, giúp giảm thời gian vận chuyển và chi phí logistics cho doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, tạo động lực cho sự phát triển hệ thống cảng biển nước sâu và các hoạt động logistics khu vực phía Bắc.
Để đạt kết quả kinh doanh này, TC-HICT đã đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, nguồn lực khoa học công nghệ, nhất là trong chuyển đổi số và xây dựng mô hình cảng xanh tại đơn vị.
Cũng Trung tá Đoàn Hải Tuấn, TC-HICT có diện tích 45ha; trong đó, 2 bến cảng container (bến số 1 và bến số 2) với chiều dài 750m, bến sà lan dài 150m. Cùng với đầu tư hệ thống thiết bị bốc xếp hiện đại nhất Việt Nam, TC-HICT còn ứng dụng mạnh mẽ hệ thống công nghệ thông tin hiện đại để giao dịch với khách hành như kết nối, trao đổi dữ liệu theo hình thức điện tử EDI, cảng điện tử, lệnh giao hàng điện tử, hóa đơn điện tử. TC-HICT cũng đã triển khai mua sắm các thiết bị hiện đại, đồng bộ, sử dụng ít năng lượng và thân thiện với môi trường. Trong năm 2024, TC-HICT sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận là Cảng xanh trong hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời tiếp tục chủ động, sáng tạo trong kinh doanh góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cảng biển Việt Nam trên trường quốc tế.
Mới đây, ngày 10/5/2024, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng tổ chức Lễ gắn biển hoàn thành xây dựng cầu cảng số 3, 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng - Khu bến cảng Lạch Huyện. Dự án bao gồm hai bến chính dài 750m, 1 bến sà lan dài 150m, hệ thống bãi chứa hàng, đường giao thông, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 8000 - 14.000 TEU, tương đương 100.000 - 160.000 DWT, đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua 1,1 triệu TEU/năm.
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, dự kiến dự án bến số 3, 4 sẽ đưa vào hoạt động trong Quý I/2025 và sẽ góp phần giảm chi phí vận tải biển, từ đó, giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam, tạo động lực cho sự phát triển hệ thống cảng biển nước sâu và các hoạt động logistics khu vực phía Bắc, và là đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Hải Phòng.
* Thúc đẩy phát triển logistics
Hải Phòng còn có 52 bến cảng thuộc hệ thống các Cảng biển Việt Nam, nổi bật là Khu bến cảng Lạch Huyện với chức năng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế. Hệ thống kho, bãi phục vụ cho dịch vụ logistics đạt hơn 700 ha với khoảng hơn 60 kho bãi chính bao gồm hệ thống kho bãi tại các cảng biển. Theo quy hoạch, mạng lưới logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2030 đạt khoảng 1.700 - 2.000 ha và đến năm 2040 khoảng 2.200 - 2.500 ha, gồm trung tâm logistics quốc tế và cấp vùng ở khu vực Đình Vũ - Cát Hải; các trung tâm logistics cấp thành phố, trung tâm logistics chuyên dụng, trung tâm logistics hỗ trợ gắn với các đầu mối giao thương chính.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng góp vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Do đó, Hải Phòng đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thúc đẩy phát triển logistics và đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể như, 9 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 5 khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế tạo nên tiềm năng, lợi thế kết nối logistics tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu.
Để mạng lưới logistics Hải Phòng phát huy lợi thế thời gian tới, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng đề xuất một số giải pháp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực logistics. Theo ông Nguyễn Minh Đức, các trường đào tạo về logistics tập trung tại hai thành phố là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mới bắt đầu tuyển sinh từ 2018 đến nay. Tại Hải Phòng, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo chuyên ngành logistics từ 2012, với quy mô khoảng 300 sinh viên/năm cùng với khoảng 700 sinh viên các chuyên ngành gần như Kinh tế vận tải biển, Kinh tế ngoại thương, Kinh tế vận tải thủy. Đầu tư cho các đơn vị đào tạo về cơ sở vật chất thực hành, nguồn nhân lực giảng viên, ứng dụng công nghệ mới, đồng thời tăng cường sự gắn kết hữu cơ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng là chiến lược đúng đắn, cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, logistics là vị thế của Hải Phòng. Do đó thành phố phải phấn đấu vươn lên vị trí xuất sắc, tập trung vào các yếu tố gồm đa phương thức vận tải, tích hợp, quản lý, xử lý dữ liệu liên quan đến logistics nhanh nhất và tốt nhất./.
- Từ khóa:
- Cảng biển
- logistics
- kinh tế biển
- Hải Phòng