Môi trường

Cảnh báo động đất kích thích thông qua điều tra địa chất, khoáng sản

Việc mô hình hóa sự thay đổi ứng suất liên quan đến các hoạt động hồ chứa Kon Plong giúp cung cấp cơ sở khoa học để luận giải nguyên nhân chuỗi sinh chấn khu vực này, từ đó đưa ra các giải pháp hợp lý để dự báo, cảnh báo động đất kích thích.

Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Lê Quốc Hùng phát biểu tại hội thảo.
Ảnh: TTXVN phát

Xác định các dấu hiệu của hoạt động kiến tạo, đứt gãy, trượt lở nhằm cảnh báo thiên tai là một trong những nội dung được các nhà khoa học đề cập tại Hội thảo khoa học "Nghiên cứu các đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ phục vụ công tác điều tra địa chất, khoáng sản" do Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức từ ngày 9-10/10, tại Hà Nội.

Theo Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Lê Quốc Hùng, các đề tài cơ bản thực hiện đảm bảo chất lượng, có nhiều kết quả nghiên cứu đáng ghi nhận như: Nghiên cứu xây dựng mô hình toán - địa chất - tài nguyên nước dự báo, cảnh báo động đất kích thích: Áp dụng thử nghiệm tại khu vực Tây Nguyên; Nghiên cứu cập nhật bản đồ kiến trúc kiến tạo và sinh khoáng nội sinh đới Sông Chảy phục vụ công tác điều tra địa chất, khoáng sản…”Kết quả nghiên cứu của các đề tài sẽ góp phần vào công tác điều tra đánh giá tài nguyên khoáng sản, là tài liệu tham khảo có giá trị cho các đề án đang thực hiện tại Cục”, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.

Thạc sỹ Nguyễn Lợi Lộc đề xuất các giải pháp hợp lý để dự báo, cảnh báo động đất kích thích. 
Ảnh: TTXVN phát

Trước tình hình liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum thời gian gần đây, ảnh hưởng đến tâm lý người dân trong vùng, đặc biệt là khu vực gần tâm chấn động đất, Thạc sỹ Nguyễn Lợi Lộc, chuyên viên phòng kỹ thuật Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam đã chia sẻ kết quả đề tài “Xây dựng mô hình toán - địa chất - tài nguyên nước dự báo, cảnh báo động đất kích thích, áp dụng thử nghiệm tại Tây Nguyên”, trong đó có nghiên cứu tại khu vực này.

Theo đó, đặc điểm địa chấn - kiến tạo khu vực Kon Plong, tỉnh Kon Tum khá “nhạy cảm” với đặc trưng là tồn tại nhiều hệ thống đứt gãy có xu hướng hoạt động trong giai đoạn hiện đại, là điều kiện để phát sinh động đất kích thích khi chịu tác động của hoạt động hồ chứa. Nhóm nghiên cứu đề tài đã xây dựng được bộ modul phần mềm giúp định lượng mức độ tác động và phạm vi ảnh hưởng của các hồ chứa đến khả năng phát sinh động đất khu vực.

“Việc mô hình hóa sự thay đổi ứng suất liên quan đến các hoạt động hồ chứa Kon Plong giúp cung cấp cơ sở khoa học để luận giải nguyên nhân chuỗi sinh chấn khu vực này, từ đó đưa ra các giải pháp hợp lý để dự báo, cảnh báo động đất kích thích”, Thạc sỹ Nguyễn Lợi Lộc cho hay.

Để định hướng giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, Thạc sỹ Nguyễn Lợi Lộc đề xuất, các bộ ngành, địa phương liên quan cần đầu tư làm rõ mạng lưới đứt gãy khu vực thông qua các phương pháp địa vật lý. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần ban hành các thông tư, quy định về việc đánh giá tác động của hồ chứa, thủy điện trước khi phê duyệt Đề án đánh giá tác động của hồ chứa, thủy điện.

Toàn cảnh hội thảo.
Ảnh: TTXVN phát

Với đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về địa vật lý phục vụ trong điều tra địa chất công trình, địa chất thủy văn trong điều tra địa chất đô thị”, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Đức, Liên đoàn Vật lý Địa chất cho biết, nhóm nghiên cứu đã xác lập được tổ hợp phương pháp địa vật lý trong điều tra địa chất thủy văn, địa chất công trình trong nghiên cứu địa chất đô thị, từ đó tiến hành đo thử nghiệm tổ hợp phương pháp.

Kết quả cho thấy, tổ hợp đo thử nghiệm có hiệu quả trong công tác điều tra địa chất thủy văn, địa chất công trình trong đô thị. Các phương pháp với đặc trưng riêng đã bổ trợ cho nhau để đưa ra được kết quả tốt nhất, thu thập được nhiều thông số cần thiết cho điều tra địa chất thủy văn, địa chất công trình đô thị. Đặc biệt, đề tài đã áp dụng thử nghiệm phương pháp địa chấn sóng mặt đa kênh. Đây là phương pháp mới, còn áp dụng hạn chế ở nước ta, với nhiều ưu điểm trong nghiên cứu địa chất thủy văn, địa chất công trình, có thể thi công trong điều kiện không gian đô thị.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản đóng góp ý kiến nhằm làm rõ thêm đặc điểm địa chất, tiềm năng khoáng sản khu vực nghiên cứu; ứng dụng mới trong công tác điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản; qua đó kịp thời kiến nghị, đề xuất áp dụng kết quả nghiên cứu phục vụ thực tiễn thi công các đề án chuyên môn./.

Trần Diệu Thúy

Tin liên quan

Xem thêm