Riêng năm 2025, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã tiếp nhận và điều trị thành công cho 4 trường hợp bị ngộ độc Botulinum. Điều đáng nói, dù đã có những khuyến cáo, nhưng nhiều người dân vẫn sử dụng các món ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc.
Ngày 17/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi 2 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cũ) cho biết, đơn vị vừa cấp cứu thành công bệnh nhân A Khởi (dân tộc Xơ Đăng, sinh năm 2002, trú xã Kon Plông, tỉnh Quảng Ngãi) bị ngộ độc Botulinum.
Cụ thể, ngày 15/7, bệnh nhân A Khởi được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi 2 cấp cứu trong tình trạng hôn mê, da niêm mạc nhợt, môi tím tái, thở ngáp. Theo người nhà bệnh nhân, khoảng ngày 12/7, trong lúc đi làm rẫy, A Khởi đã ăn cơm với cá muối chua. Sau khi ăn, bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng, đến ngày 15/7 rơi vào trạng thái hôn mê nên được đưa vào viện cấp cứu.
Xác định bệnh nhân ngộ độc Botulinum, các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi 2 đã triển khai khẩn cấp công tác cứu chữa. Đến ngày 17/7, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và được đưa lên Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để tiếp tục điều trị. Hiện, bệnh nhân đã có thể mở mắt, cử động các ngón tay song chưa thể nói chuyện hoặc giao tiếp.
Bác sỹ Đinh Vũ Ngọc Hoàng, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi 2 cho biết, cá muối chua là món ăn truyền thống ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, chế biến từ cá suối ủ với bột gạo hoặc muối, để lên men và ăn với cơm. Trong điều kiện yếm khí, nhiều loại vi khuẩn đã phát triển, trong đó có Clostridium Botulinum gây ngộ độc.
“Độc lực của Botulinum rất mạnh, gây liệt cơ hô hấp, tổn thương thần kinh nên việc điều trị rất khó khăn. Bên cạnh đó, thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) điều trị rất hiếm và đắt, khoảng 10.000 USD/lọ. Đến nay, mới chỉ có một bệnh nhân ngộ độc tại bệnh viện được tiếp cận loại thuốc này. Các bệnh nhân ngộ độc Botulinum phải điều trị trong một thời gian rất dài nên cũng sẽ có nguy cơ gây ra những tổn thương khác. Một lần nữa, chúng tôi khuyến cáo người dân không ăn món mắm cá chua, những sản phẩm đóng hộp có dấu hiệu hư hỏng và các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, an toàn”, bác sỹ Đinh Vũ Ngọc Hoàng nói.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi 2 đã tiếp nhận gần 30 trường hợp ngộ độc Botulinum, trong đó có 2 ca tử vong do độc tính mạnh. Riêng năm 2025, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã tiếp nhận và điều trị thành công cho 4 trường hợp bị ngộ độc Botulinum. Điều đáng nói, dù đã có những khuyến cáo, nhưng nhiều người dân vẫn sử dụng các món ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc. Vì vậy, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng ở cơ sở trong công tác nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về sử dụng thực phẩm an toàn./.
- Từ khóa:
- Cấp cứu bệnh nhân
- ngộ độc
- Botulinum