Cập nhật những tiến bộ trong chuyên ngành Sản Phụ khoa là mục đích của Hội nghị Sản Phụ khoa lần 8 - năm 2023, do Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 25/8.
TTXVN - Cập nhật những tiến bộ trong chuyên ngành Sản Phụ khoa là mục đích của Hội nghị Sản Phụ khoa lần 8 - năm 2023, do Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 25/8.
Bác sỹ Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ cho biết: Đây là sự kiện khoa học chuyên sâu nhằm cung cấp thông tin mới về những tiến bộ, thành tựu nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong chuyên ngành Sản Phụ khoa. Trên cơ sở đó, các thầy thuốc ở các bệnh viện vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể ứng dụng vào thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân trong vùng.
Với thông điệp: “Hợp tác quốc tế - Tầm nhìn tương lai”, Hội nghị quy tụ khoảng 1.000 đại biểu tham gia với 62 bài báo cáo khoa học; trong đó có 5 bài báo cáo khoa học của các chuyên gia hàng đầu từ các viện, trường của các nước có nền y học phát triển trên thế giới như: Đại học Otago New Zealand thuộc tổ chức MEET (Hoa Kỳ), Viện Trường Rouen (Pháp) và Đại học Korea (Hàn Quốc)...
Các đề tài nghiên cứu được báo cáo tại Hội nghị ngoài tập trung vào các lĩnh vực như Sản khoa, Thai kỳ nguy cơ cao, Nhi - Sơ sinh, Hỗ trợ sinh sản... còn đặc biệt đi sâu vào các đề tài khá mới mẻ đối với y tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long như can thiệp bào thai, ung thư phụ khoa, mãn kinh - mãn dục, cách tiếp cận mới trong cắt bỏ tử cung, phẫu thuật nội soi tử cung, rối loạn tình dục ở phụ nữ hậu COVID-19…
Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam nhận định: Chuyên ngành Sản Phụ khoa của thành phố Cần Thơ nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung có bước tiến mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Hiện nay, nhiều ca bệnh khó đã được điều trị ngay tại Cần Thơ, thay vì phải lên Thành phố Hồ Chí Minh như trước đây. Điều này đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác tốt cho các đơn vị, thầy thuốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long với cả nước cũng như quốc tế.
Các lĩnh vực được quan tâm nhiều tại Hội nghị gồm: Tầm soát trước và trong thai kỳ; bóc tách, cắt sẹo mổ lấy thai; chăm sóc sức khỏe nhóm người mãn kinh - mãn dục nam.
Các bác sỹ khuyến cáo, hiện nay khoa học kỹ thuật rất phát triển, nhiều tiến bộ mới đã được cập nhật và ứng dụng trong tầm soát trước và trong thai kỳ. Điều này sẽ giúp thai phụ có một thai kỳ khỏe mạnh, giảm thiểu dị tật thai nhi. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất lại đến từ nhận thức và thói quen của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, họ chưa quan tâm đúng mức đến tầm quan trọng của công tác này. Do đó, hiệu quả của việc tầm soát chưa cao như mong đợi.
Về mổ lấy thai và điều trị các vấn đề vết mổ hậu phẫu, các đại biểu đã đưa ra con số giới hạn tối đa ở tuyến tỉnh 25%, tuyến Trung ương 30% thai phụ được chỉ định mổ lấy thai nhưng thực tế có nơi lên tới hơn 70%, cho thấy nhận thức của cộng đồng chưa cao, cũng như sự không tuân thủ nghiêm của một số cơ sở y tế. Hậu quả, sản phụ sẽ phải đối diện với các nguy cơ sau mổ như tụ dịch vết mổ, vô sinh thứ phát, thai ngoài tử cung, chửa tại vết mổ… Do đó, trước hết cần truyền thông nâng cao nhận thức cho thai phụ và người thân để không tùy tiện chọn hình thức mổ lấy thai. Sau mổ, sản phụ cần được theo dõi sát, nếu có các triệu chứng như: chảy máu kinh nguyệt kéo dài, xảy thai liên tục, đau âm ỉ vùng vết mổ…phải được thăm khám và điều trị sớm.
Chăm sóc sức khỏe đối với nhóm người mãn kinh - mãn dục nam là đề tài thu hút sự quan tâm tại Hội nghị. Giáo sư, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam thông tin: Theo thống kê sơ bộ, số người trên 65 tuổi chiếm 10% dân số Việt Nam và ngày càng gia tăng nhanh. Do đó, vấn đề sức khỏe của nhóm người này là một yêu cầu bức thiết, thách thức đối với ngành Y tế khi phải đảm bảo các yếu tố sống khỏe, sống vui, kéo dài tuổi lao động cho họ.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, để làm được điều đó cần có sự kết hợp nhiều giải pháp như chăm sóc bằng thực phẩm chức năng, thuốc, chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học. Điều này sẽ gia tăng chất lượng cuộc sống cho nhóm người trên 65 tuổi nói chung, người mãn kinh - mãn dục nam nói riêng. Từ đó, thay đổi quan niệm lạc hậu về những giới hạn mà nhóm người này không thể làm được.
Đánh giá về vị trí của ngành Sản Phụ khoa vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bức tranh chung của cả nước, bác sỹ Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ cho biết: Các bệnh viện trong khu vực, đặc biệt là Bệnh viện Phụ sản thành phố đã và đang cập nhật, ứng dụng ngày càng nhiều kỹ thuật mới trong điều trị, chăm sóc bà mẹ và trẻ em như: Kỹ thuật nuôi phôi ngày 5 và hướng đến xét nghiệm chẩn đoán di truyền tiền làm tổ, mang thai hộ trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản; kỹ thuật đặt mảnh ghép điều trị sa tạng chậu trong lĩnh vực phụ khoa; tiên đoán và dự phòng các biến chứng trong thai kỳ trong lĩnh vực sàng lọc chẩn đoán trước sinh; kỹ thuật truyền ối đối với trường hợp thai phụ bị thiếu ối; kỹ thuật bảo vệ phổi cho trẻ cực non, chẩn đoán sớm tim bẩm sinh nặng ở trẻ sơ sinh thuộc lĩnh vực Nhi - Sơ sinh...
Đến nay, trên 90% các kỹ thuật sản trong lĩnh vực Sản Phụ khoa được triển khai trong chẩn đoán và điều trị tại Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ, nổi bật là các tiến bộ trong ngành như: Da kề da, cắt nhau chậm, cho bú sớm, mô hình “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc”... Mỗi năm, trong tổng số hơn 200.000 bệnh nhân đến bệnh viện, có hơn 60% người là đến từ các tỉnh, thành phố lân cận./.