150.000 điều dưỡng, hộ sinh là lực lượng có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đến không chỉ chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà còn cả hệ thống khám, chữa bệnh nước ta.
Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên - Huế) phối hợp với Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ XI, với chủ đề “Xu hướng mới trong đào tạo và thực hành điều dưỡng”.
Tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, điều dưỡng là một nghề cao quý, đặc biệt càng trở nên quan trọng hơn qua giai đoạn COVID-19. Những năm qua, ngành Điều dưỡng đạt được nhiều thành tựu, thể hiện sự chuyên nghiệp, kiên trì và trách nhiệm trong công việc. Tuy nhiên, lực lượng này đang phải đối mặt nhiều thách thức như nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng do gia tăng dân số, tuổi thọ trung bình; đòi hỏi cập nhật kiến thức, kỹ năng liên tục; thiếu hụt nhân lực. Chủ đề hội nghị bám sát, đáp ứng những thách thức đang được quan tâm này.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, lực lượng điều dưỡng trên cả nước tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cả về y thuật lẫn y đức; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, thực hành điều dưỡng; tăng cường vai trò của điều dưỡng trong quản lý và lãnh đạo y tế.
Hội nghị đã nhận được gần 200 bài báo khoa học ở tất cả lĩnh vực. Trong đó, 82 bài được chọn báo cáo tại hội nghị. Song song phiên báo cáo tiếng Việt, hội nghị diễn ra phiên báo cáo tiếng Anh với 6 báo cáo của các chuyên gia điều dưỡng đến từ Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines - các quốc gia có ngành Điều dưỡng phát triển sớm và có tầm ảnh hưởng về diều dưỡng toàn cầu. Đáng chú ý, chuyên gia Nhật Bản trao đổi kinh nghiệm phát triển nghề “Nhân viên trợ giúp chăm sóc” - nghề còn mang tính tự phát ở Việt Nam nhưng đang rất thịnh hành trên thế giới.
12 bài báo cáo được hội đồng khoa học chọn đăng trong số tiếng Anh Tạp chí Y học lâm sàng Bệnh viện Trung ương Huế số 97; 15 bài đăng Tạp chí Điều dưỡng Việt Nam; 45 bài được đăng trong Kỷ yếu của Hội nghị khoa học.
Các bài báo cáo có nội dung phong phú, cập nhật những tiến bộ của điều dưỡng trong nước và quốc tế. Nhiều đề tài nghiên cứu đa ngành thường được bác sĩ thực hiện trước đây, nay điều dưỡng đã tự tin nghiên cứu như: Đánh giá chất lượng cuộc sống người bệnh ghép tạng, đánh giá hệ thống, can thiệp điều dưỡng lâm sàng.
Chiếm hơn 50% số công chức, viên chức, người lao động trong ngành Y tế Việt Nam, khoảng 150.000 điều dưỡng, hộ sinh là lực lượng có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đến không chỉ chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà còn cả hệ thống khám, chữa bệnh nước ta. Trong đó, gần 50% điều dưỡng có trình độ đại học. Riêng năm 2022, có gần 600 điều dưỡng tốt nghiệp thạc sĩ, chuyên khoa I.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, thời gian qua, lực lượng điều dưỡng đã áp dụng thực hành dựa vào bằng chứng (Evidence-Based Practice), công nghệ 4.0 (Big data, AI) vào chăm sóc người bệnh, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến được áp dụng trong thực tiễn. Những bài báo cáo khoa học tại hội nghị đã chứng tỏ năng lực chuyên môn cùng sự tâm huyết, đam mê nghề nghiệp của điều dưỡng trên toàn quốc đồng thời có giá trị, ý nghĩa thiết thực cao, cập nhật các tiến bộ trong nước và quốc tế của chuyên ngành điều dưỡng./.
Mai Trang
- Từ khóa:
- Bộ Y tế
- điều dưỡng
- hộ sinh
- Thừa Thiên - Huế