Anh Tuyên xây dựng bản vẽ cụ thể, tận dụng nguyên liệu sẵn có, giá thành rẻ để giảm chi phí; luôn nỗ lực sáng tạo nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Say mê nghiên cứu, sáng tạo, anh Tống Văn Tuyên (sinh năm 1981), Tổ trưởng tổ Cơ khí, Công ty Cổ phần May xuất khẩu Hà Phong (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã có nhiều sáng kiến góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giúp đơn vị tiết kiệm hàng tỷ đồng. Với những sáng tạo, cống hiến, năm 2023 anh vinh dự được nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng. Tháng 10 vừa qua anh là một trong 9 người được tặng danh hiệu Công dân Bắc Giang ưu tú năm 2024.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội ở chuyên ngành Điện công nghiệp, năm 2010 anh Tuyên vào làm việc tại Tổ cơ khí, Công ty Cổ phần May xuất khẩu Hà Phong - đơn vị chuyên sản xuất, gia công hàng may mặc xuất khẩu.
Được đào tạo bài bản, vì vậy anh nhanh chóng bắt nhịp với công việc. Đặc biệt anh luôn say mê, thích thú nghiên cứu cải tiến thiết bị, nâng cao hiệu suất, giảm sức lao động. Từ năm 2018-2023, nhiều sáng kiến của anh đã được áp dụng trong sản xuất. Tiêu biểu như các sáng kiến: Máy tở vải khổ rộng năm 2020; máy gấp nhãn sản phẩm năm 2022; xe chở thùng sản phẩm năm 2022; cửa tự động xuống hàng khu vực kho thành phẩm năm 2023.
Chia sẻ về những sáng kiến của mình, anh Tuyên cho biết tất cả đều bắt nguồn từ thực tiễn trong công việc hằng ngày. Từ đó, anh cùng các đồng nghiệp tìm tòi, cải tiến để nâng cao hiệu quả công việc. Trong quá trình hoàn thiện sáng kiến, không ít lần anh gặp khó khăn, trở ngại, nhưng được sự hỗ trợ, động viên, giúp đỡ của lãnh đạo, đồng nghiệp, anh đã vượt qua.
Sáng kiến anh nhớ rõ nhất là máy tở vải khổ rộng năm 2020. Lúc đó, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng sản xuất quần áo bảo hộ y tế xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Trong khi các cây vải để sản xuất đơn hàng này đều là khổ trên 2m, thì các máy tở vải tại công ty chỉ tở được các cây vải có khổ rộng khoảng 1,6-1,8m; dẫn đến nguy cơ không triển khai được đơn hàng. Do đó, anh đã mày mò, tìm hiểu, nghiên cứu và cho ra đời thiết kế máy tở vải khổ rộng, có thể tở được các cây vải có khổ rộng lên đến 2,9m. Sáng kiến ngày lập tức được áp dụng vào sản xuất, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mua máy. Đồng thời, các đơn hàng sản xuất đồ bảo hộ y tế xuất đi Hoa Kỳ giá trị hàng chục tỷ đồng cũng được sản xuất kịp tiến độ giao hàng, nhờ đó công ty thu về lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Hay như sáng kiến máy gấp nhãn sản phẩm năm 2022 của anh đã giúp công ty giảm tiền thuê nhân công và tăng năng suất lao động. Trước đây, tại công đoạn gấp sản phẩm cần bố trí 4-6 lao động gấp thủ công. Vào những đợt có đơn hàng gấp, công nhân làm việc tại công đoạn này rất vất vả. Nhận thấy điều đó, anh Tuyên đã cùng với các công nhân làm việc tại đây tìm ra giải pháp cải tiến máy gấp nhãn sản phẩm để có thể rút ngắn tiến độ công việc, giảm nhân lực làm việc. Từ khi áp dụng máy gấp nhãn sản phẩm, công đoạn này chỉ cần 1-2 lao động, cùng đó sản phẩm có vết gấp vuông và chính xác hơn.
Để dễ dàng đưa sáng kiến vào thực tế sản xuất, anh Tuyên xây dựng bản vẽ cụ thể, tận dụng nguyên liệu sẵn có, giá thành rẻ để giảm chi phí. Đặc biệt, anh luôn nỗ lực sáng tạo nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, anh vẫn gặp một số khó khăn trong quá trình hoàn thiện sáng kiến là do đặc thù doanh nghiệp may. Nhiều khi dụng cụ tại xưởng cơ khí không chuyên dụng, không đáp ứng, anh lại phải tự chế dụng cụ để hoàn thiện. “Mỗi sáng kiến ứng với yêu cầu công việc khác nhau, qua đó mang đến cho tôi động lực nghiên cứu, tư duy mới mẻ trong thiết kế, chế tạo”, anh Tuyên chia sẻ.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần May xuất khẩu Hà Phong Vũ Thị Thanh Hà cho biết, với nỗ lực không ngừng và phương pháp làm việc khoa học, tâm huyết, sáng tạo, anh Tống Văn Tuyên được lãnh đạo công ty đánh giá cao về trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm trong công việc. Anh là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo, với nhiều sáng kiến, giải pháp trong công tác phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty. Các sáng kiến, cải tiến của anh đã được áp dụng, góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm; giảm số lượng nhân công; tiết kiệm, làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm./.