Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về nhà giáo gồm 249 văn bản do nhiều chủ thể ban hành, ở nhiều thời điểm khác nhau nên không tránh khỏi chồng chéo, trùng lắp.
Hội thảo tham vấn quốc gia về “Khung chính sách và pháp lý dành cho nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UNESCO tổ chức đã diễn ra chiều 26/11, tại Hà Nội.
Hội thảo thu hút sự quan tâm và đóng góp ý kiến của hơn 150 nhà hoạch định chính sách, nhà lập pháp, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, đại diện công đoàn ngành giáo dục cùng hơn 10 tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ: Là một đất nước có truyền thống trọng học, trọng thầy và trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, vị trí của nhà giáo luôn được đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang nỗ lực trong quá trình sửa đổi và củng cố các chính sách dành cho nhà giáo thông qua việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo với phương châm nhất quán nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý chất lượng để thu hút được người giỏi vào ngành, giữ chân các nhà giáo yên tâm cống hiến với nghề.
Hiện nay, Luật Nhà giáo đã được Chính phủ Việt Nam trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 6/2025). Với sự tham gia trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ chuyên gia, các cơ sở giáo dục đại học, cùng hàng trăm cuộc hội thảo đã được tổ chức, dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng công phu, chất lượng. Các ý kiến góp ý tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua đều đồng tình rất cao về sự cần thiết của việc ban hành Luật Nhà giáo và các đề xuất chính sách. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để gia tăng các chính sách thu hút đội ngũ nhà giáo; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của nhà giáo, đạo đức của nhà giáo.
Thứ trưởng cũng cho biết: Từ nay đến thời điểm trình Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo còn 6 tháng, tiếp thu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lấy ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước nhằm xây dựng Luật với những nguyên tắc, tinh thần cầu thị, lắng nghe để khi luật ban hành, đội ngũ nhà giáo đều vui mừng, cảm thấy yêu nghề hơn và đối tượng thụ hưởng là các thế hệ học sinh. Với hội thảo lần này, Ban soạn thảo sẽ ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, tiếp thu, tổng hợp theo tinh thần khoa học, có chọn lọc trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Khẳng định chất lượng nhà giáo là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả học tập, bà Miki Nozawa, Trưởng Ban Giáo dục, UNESCO Việt Nam cho rằng: Nhà giáo đóng vai trò chủ chốt trong việc nuôi dưỡng niềm vui học tập và đảm bảo hạnh phúc của học sinh. Sức khỏe tâm lý của nhà giáo cũng quan trọng không kém để đảm bảo công tác dạy và học hiệu quả. Tuy nhiên, nghề giáo phải đối mặt với những thách thức đáng kể, phải thích ứng với nhu cầu giáo dục và xã hội không ngừng thay đổi. Để hỗ trợ nhà giáo hoàn thành vai trò quan trọng này cũng như giải quyết những thách thức mới nổi, điều cần thiết là phải xây dựng luật pháp toàn diện về nhà giáo. Luật này sẽ đảm bảo nhà giáo có thể tiếp tục cung cấp nền giáo dục chất lượng cho mọi người, đóng góp vào một xã hội công bằng và hòa nhập hơn, nơi mà chính họ cũng là các đối tượng hưởng lợi.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng hoặc rà soát các chính sách nhà giáo của mỗi quốc gia, UNESCO đã xây dựng các nguồn tài nguyên như hướng dẫn chính sách phát triển nhà giáo, thúc đẩy trao đổi kiến thức và học hỏi chính sách giữa các quốc gia. UNESCO cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng Luật để cùng tái khẳng định cam kết trao quyền năng cho đội ngũ nhà giáo, những người là nền tảng của hệ thống giáo dục.
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng: Chính sách nhà giáo có hiệu quả nhất khi được xây dựng theo một tiếp cận tổng thể và toàn diện; làm rõ được những vấn đề cần tháo gỡ, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cùng các thách thức và rào cản trong việc thiết kế và tổ chức thực hiện các chính sách trước đây về nhà giáo. Đó không nhất thiết phải là một văn bản chính sách hoàn toàn mới mà chỉ cần là một văn bản hợp nhất được các chính sách riêng lẻ và thành công trước đây về nhà giáo trong một khung pháp lý thống nhất.
Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh: Việc thể chế hóa chính sách nhà giáo thành Luật Nhà giáo phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là nhận thức về tầm quan trọng của chính sách nhà giáo và quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo trong việc chuyển chính sách thành luật để tạo khung pháp lý có hiệu lực cao nhất trong việc tổ chức thực hiện chính sách nhà giáo.
Tại Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về nhà giáo gồm 249 văn bản, điều chỉnh hầu hết các vấn đề liên quan đến nhà giáo. Đây là hệ thống văn bản do nhiều chủ thể ban hành, ở nhiều thời điểm khác nhau, dưới nhiều góc độ khác nhau nên không tránh khỏi tình trạng chồng chéo, trùng lắp, khó khăn trong quá trình thực hiện, dẫn đến kém hiệu quả.
Từ thực trạng hiện nay, theo Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, việc xây dựng Luật Nhà giáo cần phù hợp với các quan điểm chỉ đạo trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, xây dựng cơ chế quản lý nhà giáo thống nhất trong toàn ngành. Bên cạnh đó, phát triển các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo theo định hướng chuyển đổi, đi trước một bước để sẵn sàng cho việc chuyển đổi việc dạy và học; nhận diện và khắc phục những tồn tại, rào cản hiện nay trong tuyển dụng, sử dụng, giữ chân nhà giáo; cải thiện các điều kiện làm việc của nhà giáo trên cơ sở xây dựng văn hóa học đường tích cực. Nhà giáo cần được đảm bảo chế độ tiền lương, đãi ngộ và khen thưởng tương xứng với vị thế, vai trò, trách nhiệm và hoạt động nghề nghiệp./.