Giáo dục

Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh trung học

Cần Thơ

Các cơ quan quản lý giáo dục, thủ trưởng các cơ sở giáo dục tập trung các nguồn lực, thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp căn cơ: Nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần; tạo ra không gian học tập thoải mái, giảm thiểu căng thẳng, khuyến khích sự tương tác tích cực giữa thầy và trò, giữa các học sinh với nhau.

Diễn giả, Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình (Giám đốc trung tâm Hướng nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ về các dấu hiệu nhận biết một học sinh đang gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần. 
Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc hiểu đúng, hiểu đủ và hỗ trợ kịp thời đối với tâm sinh lý của học sinh trung học, ngày 27/10, tại Cần Thơ, Ban Thường vụ Thành đoàn Cần Thơ phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ tổ chức Tọa đàm “Nhận diện và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh trung học”. Tọa đàm thu hút sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hơn 60.000 học sinh và cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học, nhân viên phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học đến từ 39 trường Trung học phổ thông, 76 trường Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Chia sẻ tại sự kiện, diễn giả, chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình (Giám đốc trung tâm Hướng nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Thế hệ các bạn trẻ ngày nay phải đối diện với rất nhiều áp lực. Ngoài sự phát triển như vũ bão của công nghệ, sự kỳ vọng của gia đình, xu hướng “công dân toàn cầu”, là những áp lực như: guồng học tập, các mối quan hệ xã hội, sự thay đổi về tâm sinh lý ở tuổi dậy thì... Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề tâm lý như căng thẳng, lo âu, trầm cảm ở nhiều học sinh bậc trung học. Về lâu dài, các em sẽ đối diện với sự bất ổn về sức khỏe tinh thần.

Đồng quan điểm, cô Kim Thị Hồng Trang – Giáo viên tư vấn tâm lý Trường Phổ thông FPT Cần Thơ cho biết, tỷ lệ học sinh mắc các vấn đề tâm lý ngày càng có xu hướng tăng. Điều đáng báo động là khi bản thân rơi vào tình trạng này, các em hầu như không biết phải gặp ai, làm gì để giúp mình vượt qua. Các em sẽ loay hoay tự tìm đường thoát, phụ thuộc ngày càng sâu vào chiếc điện thoại cá nhân với các mối quan hệ ảo, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Trước thực trạng đó, để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, bà Lê Thị Thùy Dung – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ đề nghị các cơ quan quản lý giáo dục, thủ trưởng các cơ sở giáo dục tập trung các nguồn lực, thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp căn cơ: Nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần; tạo ra không gian học tập thoải mái, giảm thiểu căng thẳng, khuyến khích sự tương tác tích cực giữa thầy và trò, giữa các học sinh với nhau.

Đồng thời, trang bị cho giáo viên và cán bộ quản lý những kiến thức, kỹ năng cần thiết để nhận biết và hỗ trợ học sinh có vấn đề về sức khỏe tinh thần; chú trọng việc thành lập đội ngũ tư vấn tâm lý học đường, tăng hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn tâm lý trong trường học; tăng cường hợp tác với các bệnh viện, trung tâm công tác xã hội, trung tâm y tế để cung cấp dịch vụ tư vấn, điều trị kịp thời cho học sinh. Các cơ sở giáo dục, hội, nhóm hỗ trợ công tác học sinh cần chú trọng công tác tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, nghệ thuật nhằm giúp học sinh giải tỏa căng thẳng, phát triển các kỹ năng sống.

Bà Lê Thị Thùy Dung kêu gọi các cấp, các ngành, địa phương; tổ chức chính trị - xã hội; phụ huynh và toàn thể cộng đồng cùng chung tay biến "lời nói thành hành động", biến "cam kết thành hiện thực". Từ đó, kiến tạo một môi trường học đường an toàn, lành mạnh, hạnh phúc; giúp các em học sinh phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh, năng động và sáng tạo./.

Hoàng Ánh Tuyết

Xem thêm