Môi trường

Chăn nuôi lợn an toàn sinh học, giảm phát thải ô nhiễm môi trường

Phú Thọ

Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, giảm phát thải ô nhiễm môi trường của ông Bùi Đức Luận thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm là điểm sáng phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ.

TTXVN - Hơn 20 năm nay, ông Bùi Đức Luận (xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) được biết đến là ông chủ trang trại chăn nuôi lợn, kết hợp thâm canh một số mô hình khác thông qua việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông là một trong 100 gương nông dân sản xuất giỏi sẽ được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023.

Bà Bùi Thị Lệ Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Vi, huyện Lâm cho biết: So với một số vật nuôi khác, con lợn có "đầu ra" bấp bênh, hay bị rủi ro do bệnh dịch, ít có nông dân nào “chung thủy” với vật nuôi này. Nhờ kinh nghiệm lâu năm lại kiên trì, ông Bùi Đức Luận đã thành công và trở thành tỷ phú từ chăn nuôi lợn ở địa phương. Trang trại của ông Bùi Đức Luận là mô hình làm kinh tế trang trại lớn và làm ăn có hiệu quả. Ông là người dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, có tính sáng tạo và luôn tìm cách áp dụng những tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật vào thực tế để sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ông Luận nhiều năm liền vinh dự là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, là tấm gương tiêu biểu để người dân trong vùng học tập

Hơn 20 năm nay, ông Bùi Đức Luận (xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) được biết đến là ông chủ trang trại chăn nuôi lợn, kết hợp thâm canh một số mô hình khác thông qua việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông là một trong 100 gương nông dân sản xuất giỏi sẽ được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023.Là nông dân, lập nghiệp trên vùng quê nghèo, ông Bùi Đức Luận luôn trăn trở ý tưởng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu và quyết định đầu tư mô hình kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương.

Năm 1997, gia đình ông Luận nhận khoán 2 ha đất vùng trũng vừa cấy lúa vừa nuôi cá để phát triển kinh tế. Năm 2001, được các cấp chính quyền xã, huyện hỗ trợ vay vốn, cây, con giống, phân bón..., ông Luật đầu tư nuôi 15 con lợn nái. Sau nhiều năm chăm nuôi, đàn lợn tăng dần, đến năm 2017 là 5.000 con. Song song với việc chăm sóc đàn lợn, ông nhận khoán, dồn đổi tích lũy những diện tích kém hiệu quả của người dân, của xã để đầu tư mở rộng quy mô trang trại, đào ao thả cá, trồng cây bóng mát, cây ăn quả…; đồng thời, áp dụng quy trình chăn nuôi thâm canh, an toàn sinh học, giảm phát thải ô nhiễm môi trường.

Trong khuôn viên rộng, thoáng với nhiều cây ăn quả đang cho thu hoạch, ông Luận tâm sự: Năm 2017, giá thịt lợn giảm thấp kỷ lục, chỉ hơn 6.000 đồng/kg. Gia đình ông thua lỗ hơn 10 tỷ đồng. Chưa kịp vực lại, năm 2018, trang trại lại lao đao vì dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Lúc dịch bệnh hoành hành, hơn 6 tháng, ông và một số công nhân ăn uống, sinh hoạt tại chỗ, không dám ra khỏi trang trại…

Trong lúc bế tắc, ông Luận được chính quyền địa phương, đoàn thể quan tâm, bàn giải pháp hỗ trợ, giải cứu hàng nghìn con lợn thịt nuôi an toàn sinh học đến ngày xuất chuồng. Ngay sau đó, lợn được mổ, bán vào các bếp ăn khu công nghiệp, cửa hàng, siêu thị trên địa bàn. Nhờ đó, ông Luận đã vượt qua khủng hoảng, dần ổn định sản xuất, chăn nuôi. Ông đã đầu tư hệ thống máy móc tưới tiêu tự động, lắp đặt bể biogas bảo vệ môi trường, hệ thống dây chuyền mổ và chế biến các sản phẩm từ lợn cung cấp cho bếp ăn và hệ thống các cửa hàng, siêu thị trong tỉnh.

Ông Luận cho biết, trang trại của ông rộng gần 7 ha, duy trì ổn định hệ thống chuồng nuôi lợn hơn 2.000 con/năm; 4 ha nuôi cá công nghiệp, thu hoạch 2 lần/năm; hàng trăm gốc bưởi Diễn, mít đã cho thu hoạch và gần 100 cây mắc ca hơn 5 năm tuổi. Ước tính, trung bình mỗi năm cho doanh thu khoảng 20 tỷ đồng từ chăn nuôi lợn; hơn 300 triệu đồng từ nuôi thủy sản và hàng trăm triệu đồng từ vườn cây ăn quả. Trừ chi phí, ông Luận thu lãi hơn 2 tỷ đồng/năm.

Năm 2022, giá thịt lợn thương phẩm duy trì mức khá, giúp trang trại của ông Luận đạt mức doanh thu kỷ lục, gần 30 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ông Luận thu về hơn 3 tỷ đồng; tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên, thời vụ tại địa phương với thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, ông Luận bộc bạch, chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng vẫn đang khó khăn, nhất là giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, song vẫn là lĩnh vực có nhiều tiềm năng để phát triển. Để nghề nuôi lợn hiệu quả, mọi người cần phát triển theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Đây thực sự là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững; bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh, nâng cao giá trị sản phẩm.

Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học của ông Bùi Đức Luận là điểm sáng phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ. Ông Luận đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của xã, huyện, tỉnh. Với những kết quả đạt được, năm 2015, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn và tôn vinh "Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023./.

PV

Xem thêm