Pháp luật

Chia sẻ mô hình, cách làm hay về giáo dục pháp luật trong học đường

Kon Tum

Thời gian tới, các Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Kon Tum cần chỉ đạo các trường tiếp tục nghiên cứu mô hình, cách làm hay về giáo dục pháp luật trong học đường.

Quang cảnh buổi tọa đàm với chủ đề “Triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường”. 
Ảnh: Khoa Chương -TTXVN

Chiều 25/11, Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum tổ chức tọa đàm “Triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường” nhằm nhận diện các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đưa ra đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên cho biết, qua khảo sát, các trường học ở tỉnh Kon Tum đã triển khai hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường. Nhiều trường học đã lồng ghép việc phổ biến pháp luật thông qua các cuộc thi tìm hiểu, buổi chào cờ đầu tuần, tổ chức các phiên tòa giả định, xây dựng mô hình cổng trường an toàn. Đây là điều kiện để các học sinh có cái nhìn đúng đắn hơn về pháp luật, không để xảy ra tình trạng vi phạm trong và ngoài nhà trường.

Thời gian tới, các Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Kon Tum cần chỉ đạo các trường tiếp tục nghiên cứu mô hình, cách làm hay về giáo dục pháp luật trong học đường. Từ đó, giúp giáo viên dễ dàng trong việc tuyên truyền kiến thức, học sinh hình thành tri thức, góc nhìn đúng đắn hơn về pháp luật, không để xảy ra tình trạng vi phạm.

Tại chương trình, các đại biểu đã thảo luận, góp ý, đưa ra nhiều vấn đề thực tiễn về công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường. Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Thầy cho biết, đội ngũ giáo viên thường xuyên được tập huấn đã có đủ kinh nghiệm để đưa ra giáo án phù hợp cho học sinh. Bên cạnh đó, các trường học tại huyện đã tổ chức nhiều chương trình như lồng ghép giáo dục lịch sử với pháp luật; triển khai mô hình Cổng trường an toàn để học sinh nhận thức rõ về an toàn giao thông.

Các đại biểu cho rằng, gia đình có vai trò quan trọng trong định hướng, giáo dục con em học nhận thức về pháp luật. Do đó, Kon Tum cần tổ chức nhiều tiết học mở để học sinh và phụ huynh cùng có trải nghiệm thực tế. Điểm đặc biệt của những tiết học mở là phụ huynh không chỉ tham gia mà còn đóng góp ý kiến với giáo viên về phương pháp giảng dạy. Qua đó, giúp giáo viên thể hiện được năng lực của mình và phụ huynh hiểu hơn về tình hình của học sinh để có phương pháp giáo dục đúng đắn...

Tại buổi tọa đàm, đại diện Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đã trả lời một số ý kiến của các đại biểu. Đối với những đề xuất, kiến nghị không thuộc thẩm quyền, Cục tiếp thu, ghi nhận và tham mưu cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xử lý./.


Khoa Chương

Tin liên quan

Xem thêm