Chiến tranh cách mạng từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng lớn lao, bền bỉ trong dòng chảy nghệ thuật Việt Nam nói chung và mỹ thuật nói riêng.
Chiến tranh cách mạng từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng lớn lao, bền bỉ trong dòng chảy nghệ thuật Việt Nam nói chung và mỹ thuật nói riêng. Với phong cách sáng tác kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực khốc liệt, chiều sâu trữ tình, họa sỹ Bùi Anh Hùng đã khẳng định dấu ấn cá nhân đậm nét, mang đến một góc nhìn mới mẻ, giàu cảm xúc cho đề tài thiêng liêng này.
Góc nhìn mới về đề tài chiến tranh
Hoạ sỹ Bùi Anh Hùng, sinh năm 1965 tại Nam Định, lớn lên trong ký ức thiêng liêng về người cha anh hùng – người đã lên đường vào chiến trường miền Nam năm 1966 và anh dũng hy sinh tại Phước Long chỉ hai năm sau đó. Mang trong mình dòng máu của người chiến sỹ cách mạng, ông theo đuổi đam mê nghệ thuật, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và từng gắn bó với công việc giảng dạy tại ngôi trường này. Năm 2003, bước ngoặt lớn trong sự nghiệp đến khi ông chuyển công tác về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tại đây, được sống và sáng tác giữa những hoạ sỹ tâm huyết với đề tài lực lượng vũ trang, ông tìm thấy không chỉ nguồn cảm hứng bất tận, còn có trách nhiệm thiêng liêng – tiếp nối mạch nguồn lịch sử qua từng nét cọ, gam màu.
Họa sỹ Bùi Anh Hùng ghi dấu ấn trong sự nghiệp với nhiều giải thưởng danh giá, tiêu biểu như: Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1995; Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Giải A Giải thưởng Văn học, Nghệ thuật, Báo chí (giai đoạn 2004–2009) về đề tài "Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng" của Bộ Quốc phòng; Giải B Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 2008…
Là một hoạ sỹ thuộc thế hệ sinh sau, họa sỹ Bùi Anh Hùng trung thành, đam mê và thành công với đề tài chiến tranh cách mạng. Ông chia sẻ, Việt Nam từng trải qua nhiều cuộc chiến, gần như mỗi bàn thờ tổ tiên trong các gia đình đều có một người ngã xuống vì đất nước. Chính những mất mát, hy sinh đó đã ăn sâu vào tiềm thức khiến đề tài chiến tranh luôn là nguồn cảm hứng dồi dào, vô tận, bất chấp sự chuyển giao giữa các thế hệ. “Chúng tôi – thế hệ đi sau – vẽ chiến tranh bằng suy nghĩ về cha ông mình, bằng những rung động, lòng biết ơn và khát vọng gìn giữ ký ức” – hoạ sỹ chia sẻ.
Về những thuận lợi và khó khăn trong việc tái hiện chiến tranh qua hội họa, họa sỹ Bùi Anh Hùng thừa nhận, do không trực tiếp trải qua cuộc chiến, không đối mặt trực diện với những biến động dữ dội của thời đại, nguồn tư liệu sáng tác của ông chủ yếu được chắt lọc từ phim ảnh, tài liệu lưu trữ và những câu chuyện kể lại. Khoảng cách này tạo ra khó khăn lớn trong việc nắm bắt trọn vẹn những xúc cảm chiến tranh.
Tuy vậy, cũng nhờ khoảng cách ấy, ông có được một lợi thế đặc biệt: với cái nhìn lùi xa, bằng vốn tri thức và cảm nhận riêng của thế hệ mình, hoạ sỹ có thể sáng tạo hiện thực; chủ động chọn lọc, phân tích, gửi gắm vào tác phẩm những thông điệp mới mẻ, độc đáo hơn.
Khác biệt giữa các thế hệ hoạ sỹ xưa và nay chủ yếu nằm ở cách tiếp cận đề tài. Các bậc tiền bối, những người trực tiếp đi qua chiến tranh thường tập trung vào việc mô tả từng trận đánh, sự kiện cụ thể với tính tự sự rõ rệt. Trong khi đó, thế hệ hoạ sỹ sau này như Bùi Anh Hùng lại chọn góc nhìn khác: đời thường, bình dị, đi vào chiều sâu tâm hồn người lính. Ông muốn gợi lại chiến tranh trong ánh sáng của sự cao cả, chứ không nhằm phơi bày đau thương, mất mát. Những tác phẩm như: "Cọc tiêu sống", "Hào khí Thăng Long", "Khúc tráng ca 1954", "Thép đã tôi", "Khúc ca bi tráng 1968"… là minh chứng rõ nét cho quan niệm nghệ thuật ấy.
Những cách thể hiện mới mẻ
Nhiều họa sỹ đương đại không ngừng làm mới đề tài chiến tranh, vượt qua mọi giới hạn với nhiều phong cách sáng tạo: từ miêu tả, biểu hiện đến trừu tượng, tối giản. Bố cục tranh trở nên tự do, phóng khoáng; ngôn ngữ tạo hình phong phú; gam màu mạnh mẽ, sắc nét. Chất liệu sáng tác cũng rất đa dạng, bao gồm sơn mài, sơn dầu, acrylic và cả các vật liệu tổng hợp. Chẳng hạn như: bức tranh "Ngày về 1954", thay vì khắc hoạ những đoàn quân hùng dũng tiến về Thủ đô, họa sỹ Bùi Anh Hùng lại thể hiện hình ảnh một người lính ôm cây đàn violin trong khung cảnh chim bồ câu tung cánh bay lên. Một biểu tượng giản dị nhưng gợi mở: người lính không chỉ mang sức mạnh quân sự mà còn mang theo tri thức, văn hóa. Họ chính là biểu tượng tinh thần và khát vọng thời đại.
Hay như bức tranh "Hà Nội 1972", giữa không gian bảng lảng của gam màu lạnh, xám xịt với những đường nét gãy gập, tác giả tái hiện ký ức xa mờ về Hà Nội những ngày bom đạn, phố xá hoang tàn, đổ nát. Trong thứ ánh sáng nhạt nhòa, mơ hồ sự sống, hình bóng con người nhỏ bé, kiên cường trở thành điểm nhấn lay động lòng người. Ở đó, hoạ sỹ không thuật lại một câu chuyện cụ thể, để cho từng mảng màu, từng nét vẽ tự ngân lên, tự kể lại câu chuyện của chính mình.
Khi nói về ảnh hưởng từ thế hệ đi trước, họa sỹ Bùi Anh Hùng cho biết, ông đã học hỏi rất nhiều từ các bậc tiền bối như Nguyễn Sáng, Lê Lam... hay những tên tuổi lớn ông có dịp gần gũi trong quân đội, như: Ngọc Liệu, Văn Đa, Huy Toàn… Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, điều cốt lõi là phải biết chắt lọc những gì tinh túy như người ta đãi cát tìm vàng; đồng thời không ngừng tìm tòi cách thể hiện mới mẻ, tạo cho mình phong cách riêng, một lối đi riêng. Bởi, trong nghệ thuật, cá tính sáng tạo là lẽ sống còn.
Chiến tranh đã lùi xa, không ít người lo ngại rằng thế hệ trẻ sẽ không còn mặn mà với đề tài này, bởi tâm thế thời đại đã đổi thay rất nhiều. Thế nhưng, nhiều họa sỹ vẫn lạc quan khi chứng kiến những tín hiệu tích cực từ các triển lãm mỹ thuật lớn gần đây, như triển lãm chuyên đề về Quân đội nhân dân Việt Nam, thu hút sự tham gia nhiệt tình của đông đảo họa sỹ trẻ trên khắp cả nước.
Về phía công chúng thưởng thức, họa sỹ Bùi Anh Hùng cho rằng đã có sự phân hóa rõ rệt. Một bộ phận vẫn say mê với dòng tranh chiến tranh, đặc biệt là những tác phẩm không chỉ dừng lại ở việc khắc họa nỗi đau, còn khơi dậy sự hào sảng, lòng biết ơn sâu sắc với phong cách thể hiện hấp dẫn, truyền cảm./.