Với đặc thù là xã biên giới có diện tích rộng, dân cư thưa thớt, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, xã Đắk Wil chủ động sắp xếp đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm để xử lý thủ tục hành chính. Việc vận hành chính quyền theo mô hình mới diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.
Vượt qua khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, điều kiện giao thông, chính quyền các xã biên giới tỉnh Lâm Đồng đang cùng cả nước vận hành ổn định theo mô hình mới, hướng tới nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, phục vụ nhân dân.
Xã Đắk Wil, tỉnh Lâm Đồng được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 xã Đắk Wil và Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cũ. Đây là xã nằm cách thành phố Đà Lạt (thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng) khoảng 250km và có diện tích hơn 515km2, dân số hơn 24.000 người; trong đó, 60% là người đồng bào dân tộc thiểu số (Thái, Ê-đê, M’nông).
Anh Lê Văn Trình, trú tại xã Đắk Wil cho biết, sáng 3/7, anh đến Trung tâm hành chính công của xã để nộp hồ sơ đăng ký tách thửa đất. Anh rất bất ngờ là dù mới chính thức vận hành chính quyền 2 cấp nhưng các cán bộ tại Trung tâm hành chính công của xã làm việc chuyên nghiệp, nhanh chóng. Hồ sơ được tiếp nhận đầy đủ, các thắc mắc, kiến nghị của người dân đều được giải đáp, chỉ dẫn rõ ràng.
"Thay vì phải đi quãng đường dài đến trung tâm huyện (cũ) để nộp hồ sơ, nay tôi chỉ phải di chuyển hơn 5km là đến trung tâm xã mới và hoàn thành các công việc gia đình đang cần", anh Trình chia sẻ thêm.
Theo ông Hoàng Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Đắk Wil, ngay trong ngày đầu tiên chính thức vận hành chính quyền theo mô hình mới, xã đã kiện toàn tổ chức, bộ máy, đồng thời triển khai ngay việc đưa Trung tâm hành chính công đi vào vận hành để phục vụ nhân dân. Với đặc thù là xã biên giới có diện tích rộng, dân cư thưa thớt, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, xã Đắk Wil chủ động sắp xếp đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm để xử lý thủ tục hành chính. Việc vận hành chính quyền theo mô hình mới diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.
Xã kiến nghị Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng sớm quan tâm, bố trí cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại trung tâm hành chính công. Bởi hiện nay, việc thực hiện các thủ tục hành chính đều liên thông từ cấp xã lên tỉnh và cổng dịch vụ công quốc gia, thiếu các trang thiết bị thiết yếu khiến việc thực hiện nhiều thủ tục gặp khó khăn.
Xã Quảng Trực, tỉnh Lâm Đồng là xã biên giới được giữ nguyên trạng từ xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cũ. Xã có diện tích tự nhiên hơn 558km2, dân số hơn 22.000 người, trong đó hơn 45% là đồng bào dân tộc thiểu số.
Anh Lê Ngọc Hiếu, trú tại xã Quảng Trực cho biết, khi vận hành chính quyền theo mô hình mới, việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính của người dân đơn giản hơn nhiều so với trước. Đặc biệt, việc đi lại thuận lợi hơn rất nhiều vì người dân chỉ phải di chuyển quãng đường ngắn, so với hàng chục km ra trung tâm huyện như trước đây. Bà con mong muốn, các thủ tục hành chính tiếp tục được đơn giản hóa để tiết kiệm thời gian, công sức của người dân và cán bộ, cơ quan chức năng.
Theo UBND xã Quảng Trực, sau 3 ngày vận hành chính quyền theo mô hình mới, xã hoàn thành việc kiện toàn chức danh lãnh đạo chủ chốt cho đến các phòng, ban và Trung tâm hành chính công. Trung tâm hành chính công xã đã vận hành thông suốt, hiệu quả ngay từ ngày 1/7; hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của công dân đều được tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng hạn, đúng quy định.
Tỉnh Lâm Đồng hiện có 4 xã có chung đường biên giới trên bộ với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Ngoài 2 xã Đắk Wil, Quảng Trực, 2 xã còn lại là Thuận Hạnh (được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông cũ) và Tuy Đức (được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 xã Đắk Búk So, Đắk R’tíh, Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cũ).
Theo báo cáo của UBND các xã biên giới, nhìn chung, việc vận hành chính quyền mới ổn định, đội ngũ cán bộ từ lãnh đạo chủ chốt đến công chức, nhân viên các phòng ban, trung tâm hành chính công được kiện toàn và thực hiện nhiệm vụ nhanh chóng. Đảm bảo công việc thông suốt, không gián đoạn, nâng cao hiệu quả công việc, hướng tới đơn giản hóa thủ tục hành chính và phục vụ nhân dân.
Cũng theo các báo cáo, nhìn chung cơ sở vật chất tại các xã biên giới vẫn còn nhiều khó khăn. Tình trạng phổ biến là hệ thống phần cứng, máy móc cũ, được đầu tư đã lâu, không đáp ứng kịp yêu cầu của việc vận hành chính quyền theo mô hình mới. Điển hình như hệ thống camera phục vụ việc họp trực tuyến; hệ thống đường truyền Internet chưa đáp ứng về tốc độ; hệ thống máy tính, máy scan, âm thanh còn nhiều hạn chế… Bên cạnh đó, hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động, tiếp nhận hồ sơ tại các trung tâm hành chính công cần sớm được đầu tư, nâng cấp nhằm đảm bảo việc vận hành ổn định, hướng tới phục vụ nhân dân./.