Thời sự

Chính quyền địa phương 2 cấp: Kỳ họp HĐND mang tính lịch sử, mở ra chương mới cho quá trình phát triển

Tại tỉnh Khánh Hòa, thành phố Hải Phòng và tỉnh Hưng Yên, kỳ họp thứ nhất HĐND đã được thực hiện.

Ngày 1/7, các tỉnh, thành phố trên cả nước chính thức vận hành chính quyền địa phương hai cấp. Tại tỉnh Khánh Hòa, thành phố Hải Phòng và tỉnh Hưng Yên, kỳ họp thứ nhất HĐND đã được thực hiện. Đây là kỳ họp mang ý nghĩa lịch sử, đánh dấu một cột mốc quan trọng, mở ra chương mới cho quá trình phát triển của chính quyền địa phương trong mô hình tổ chức chính quyền hai cấp.

*Sau hợp nhất, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa VII có 87 đại biểu

Chiều 1/7, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Khánh Hòa khóa VII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tiến hành kỳ họp thứ nhất sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội.

Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII ra mắt tại kỳ họp. 
Ảnh: Tiên Minh - TTXVN

Dự và phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đã đề nghị HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức thực hiện tốt sự chỉ đạo của Trung ương; bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Khánh Hòa để tiếp tục chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ, toàn diện, đạt hiệu quả cao; nhất là đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm như Chính phủ giao; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, kinh doanh; tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt, kịp thời để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa thông báo Nghị quyết về số lượng và danh sách đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII nhiệm kỳ 2021 – 2026 gồm 87 đại biểu; Công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyết định của Chính phủ, nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh chỉ định nhân sự giữ các chức danh chủ chốt của HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa (mới) nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, Nghị quyết số 1733/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2021- 2026, trong đó ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa (mới) giữ chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, nhiệm kỳ 2021 – 2026; bà Phạm Thị Xuân Trang giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo Quyết định 1288/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ định ông Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (mới) giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (mới) nhiệm kỳ 2021 - 2026; Quyết định số 1339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ định các ông: Nguyễn Long Biên, Trần Hòa Nam và Trịnh Minh Hoàng giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (mới) nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tiếp đó, kỳ họp đã tiến hành thông qua các nghị quyết về việc thành lập các ban của HĐND tỉnh Khánh Hòa, gồm: Ban Kinh tế - ngân sách, Ban Pháp chế, Ban Văn hóa - xã hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Khánh Hòa, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa; thành lập 13 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa.

*Hưng Yên tăng cường giám sát quá trình triển khai các Nghị quyết sáp nhập

Quang cảnh Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Chiều 1/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 29. Đây là kỳ họp mang ý nghĩa lịch sử, đánh dấu một cột mốc quan trọng, mở ra chương mới cho quá trình phát triển của chính quyền địa phương tỉnh Hưng Yên trong mô hình tổ chức chính quyền hai cấp hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả.

Phát biểu tại Kỳ họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn nhấn mạnh, lần đầu tiên trong lịch sử, hai tỉnh đồng bằng có vị trí trọng điểm, với nhiều điểm tương đồng sâu sắc về vị trí địa lý, quy mô dân cư, truyền thống văn hóa lâu đời, lịch sử hào hùng và cấu trúc hành chính được hợp nhất để hình thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh mới. Với quy mô dân số, diện tích và tiềm lực kinh tế - xã hội tăng cường mạnh mẽ, tỉnh Hưng Yên hiện nay đang đón nhận những cơ hội phát triển lớn chưa từng có, song cũng đối mặt với không ít thách thức mới đòi hỏi sự quyết tâm cao và trí tuệ tập thể.

Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên, kỳ họp lần này không chỉ đơn thuần là hoạt động hành chính mang tính thủ tục, mà còn là bước chuyển giao mang tính chất chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị kiên định, tinh thần trách nhiệm cao cả trước Đảng, trước Nhân dân và cử tri trong việc tổ chức, vận hành hiệu quả bộ máy chính quyền mới. Điều này đòi hỏi mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thể hiện tinh thần chủ động sáng tạo, trí tuệ đổi mới, phát huy tối đa vai trò của người đại biểu dân cử, đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân, đóng góp những ý kiến tâm huyết, thiết thực, có giá trị vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của HĐND tỉnh Hưng Yên, nhiệm kỳ 2021-2026 và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết về việc ban hành Nội quy kỳ họp HĐND tỉnh Hưng Yên khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết về việc thành lập các Ban của HĐND tỉnh Hưng Yên khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết về việc thành lập Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hưng Yên; Nghị quyết về việc tổ chức kỳ họp thường lệ trong năm 2025 của HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đề nghị, ngay sau kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh cần khẩn trương kiện toàn các tổ chức bộ máy theo mô hình mới, trọng tâm là phân công nhiệm vụ giữa Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân tỉnh; xây dựng chương trình công tác những tháng cuối năm 2025 và kế hoạch năm 2026 phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát quá trình triển khai các Nghị quyết sáp nhập, nhất là đối với những nội dung dễ phát sinh bất ổn như quá trình tổ chức bộ máy ở cơ sở; hoạt động của các đơn vị hành chính mới thành lập; tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo và phản ánh của cử tri...

Hội đồng nhân dân tỉnh chủ động phối hợp với UBND tỉnh, các cơ quan liên quan để tiếp tục triển khai thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2026 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên lưu ý, tỉnh cần chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong điều kiện diện tích quản lý, quy mô dân số và hệ thống tổ chức mở rộng. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Hội đồng nhân tỉnh, đặc biệt là những kiến thức về pháp luật, kinh tế, xã hội và những kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu.

*Kỳ họp HĐND đầu tiên của thành phố Hải Phòng mới mang ý nghĩa lịch sử

HĐND thành phố quyết định tổ chức, bộ máy và nhân sự theo thẩm quyền. 
Ảnh: TTXVN phát

Chiều 1/7, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 28 - kỳ họp đầu tiên của thành phố mới theo Nghị quyết số 202 của Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp  kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính của thành phố đảm bảo chính quyền hai cấp hoạt động thông suốt đáp ứng yêu cầu của nhân dân và doanh nghiệp. Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã biểu quyết, thống nhất thông qua Nghị quyết thành lập các Ban Hội đồng nhân dân thành phố, thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân, quyết định thành lập Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố; thông qua Kế hoạch tổ chức các kỳ họp của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng trong năm 2025.

Theo ông Lê Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng, cùng với việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc chỉ định Ủy viên Ủy ban nhân dân, phê chuẩn Phó Trưởng ban..., thì việc thành lập các tổ chức này là cơ sở pháp lý quan trọng để các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị theo thẩm quyền.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh, Hội đồng nhân dân thành phố đã quyết định tổ chức, bộ máy và nhân sự theo thẩm quyền bảo đảm khách quan, dân chủ, phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, thống nhất, dân chủ trong quyết định công tác tổ chức, bộ máy và nhân sự tại kỳ họp; lựa chọn được đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, có uy tín, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, xứng tầm với nhiệm vụ, trọng trách mới, xứng đáng là người đại biểu dân cử - đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân thành phố.

Ngay sau kỳ họp này, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đề nghị các đồng chí cần bắt tay vào triển khai thực hiện các nghị quyết mà Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua; phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban, các Tổ đại biểu và nhất là các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố trong quyết định các chính sách và giám sát việc triển khai thực hiện; tiếp tục tăng cường đoàn kết, gắn bó, chủ động, kịp thời nghiên cứu, nắm bắt các cơ chế, chính sách, các pháp luật mới ban hành; thấm nhuần sâu sắc truyền thống văn hóa và tình hình thực tế của cả Hải Dương và Hải Phòng… Để từ đó rà soát các nhiệm vụ, các nghị quyết đã ban hành nhằm kịp thời tham mưu, đề xuất với Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy có các giải pháp phát huy những tiềm năng, lợi thế của 2 địa phương, tập trung hoàn thành đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2025 và những năm tiếp theo đảm bảo phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển của thành phố Hải Phòng mới.

Việc hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương là dấu mốc lịch sử, mở ra không gian phát triển mới với quy mô dân số trên 4,6 triệu người, diện tích tự nhiên gần 3.200 km2. Thành phố Hải Phòng mới là sự hội tụ của truyền thống văn hóa và lịch sử cách mạng vẻ vang của “Đất Cảng anh hùng và Xứ Đông văn hiến”; là sự giao thoa, hòa quyện giữa tinh thần đổi mới, truyền thống đi đầu, bản lĩnh sáng tạo và khát vọng vươn lên, dám nghĩ, dám làm với trí tuệ, chiều sâu văn hóa cùng truyền thống hiếu học. Đây là tiền đề vững chắc để xây dựng một thành phố Hải Phòng mới có tầm vóc lớn hơn, mở ra không gian phát triển mới, tạo thành một cực tăng trưởng mạnh mẽ hơn, thúc đẩy sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước./.


Đoàn Minh Huệ - Quang Nhiều - Tiên Minh

Tin liên quan

Xem thêm