Các thế hệ người Hà Nội luôn tự hào về giá trị truyền thống và hoàn thiện nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thông qua cách ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và trong mối quan hệ giữa con người với con người.
TTXVN - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 30 về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Chỉ thị nêu rõ: Lịch sử văn hiến hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội hun đúc nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, văn hóa ẩm thực… Các thế hệ người Hà Nội luôn tự hào về giá trị truyền thống, quan tâm xây dựng và hoàn thiện nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thông qua cách ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa con người với con người.
Với vị trí, tầm vóc của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước, Hà Nội luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó, thường xuyên nhấn mạnh vai trò gương mẫu, đi đầu trong phát triển văn hóa, con người. Tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra yêu cầu thành phố cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc.
Thời gian qua, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp, ban hành nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch, đề án… gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phòng trào thi đua lớn như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Người tốt việc tốt”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…
UBND thành phố ban hành hai Quy tắc ứng xử: “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan trực thuộc thành phố” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Qua đó tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Trước với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ tồn tại, hạn chế.
Chỉ thị lần này, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu, các cấp ủy Đảng quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả đường lối, quan điểm trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021): Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Chỉ thị đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, thường xuyên.
Thành phố đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai Chỉ thị; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc phát huy những phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, làm cho những giá trị đó thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các quan hệ xã hội, trong gia đình, từng người dân.
Cùng với đó là tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân Thủ đô không ngừng nâng cao ý thức chấp hành, tôn trọng kỷ cương, pháp luật, xây dựng các quan hệ xã hội giàu tính nhân văn trên cơ sở phát huy những nét đẹp truyền thống; có nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa mọi lúc, mọi nơi, trên mọi lĩnh vực đời sống-xã hội...
Thành phố kịp thời tuyên dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, hành vi ứng xử đẹp của người dân Thủ đô…/.