Các chuyên gia về di sản văn hóa đều cho rằng, di tích Chùa Cầu đã được tu bổ một cách bài bản, tuân thủ các quy tắc, quy định.
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc diện mạo Chùa Cầu ở Hội An (còn được gọi bằng những cái tên khác nhau như Cầu Nhật Bản, Lai Viễn Kiều) sau khi tu bổ lạ lẫm, nhìn “mới quá” và không ăn nhập với cảnh quan, thậm chí có ý kiến cho rằng Chùa Cầu đã trùng tu sai và phá hỏng di sản…
Tuy nhiên, các chuyên gia về di sản văn hóa đều cho rằng, các cơ quan chức năng đã làm đúng, làm tốt công tác trùng tu Chùa Cầu. Di tích đã được tu bổ một cách bài bản, tuân thủ các quy tắc, quy định.
* Kết quả trùng tu là tốt đẹp
Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, nhà nghiên cứu lịch sử, chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di tích và quản lý di sản văn hóa cho biết, ông đã vài lần đến hiện trường tu bổ Chùa Cầu để tham quan, xem xét trong năm 2023, cũng như quan sát các hình ảnh chụp chi tiết Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu (được báo chí và mạng xã hội đăng tải). Ông Trần Đức Anh Sơn khẳng định: đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã thực hiện bài bản, khoa học, nghiêm túc và kết quả trùng tu là tốt đẹp, trả lại cho Hội An một Chùa Cầu đúng với diện mạo, hình hài bản thể nhưng vững chãi hơn, kiên cố hơn.
Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn tán thành và đánh giá cao phương án “trùng tu hạ giải” mà dự án trùng tu Chùa Cầu đã chọn, bởi lẽ, sau hơn 400 năm tồn tại trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung, Chùa Cầu đã xuống cấp và hư hỏng nặng: phần móng bị lún, nghiêng; nhiều kết cấu bằng gỗ bị mối mọt, mục ruỗng; hệ thống tường bao bằng gạch bị bong tróc…, đã khiến cho tổng thể Chùa Cầu bị biến dạng phần nào; liên kết kiến trúc bị yếu đi, khiến công trình có thể sụp đổ, nhất là khi có mưa bão tấn công. Vì thế, lựa chọn phương án “trùng tu hạ giải” nhằm xử lý triệt để phần móng: cân chỉnh, gia cố, gia cường để tăng độ chịu lực; tháo dỡ phần cấu kiện gỗ để thay thế các bộ phận bị mục nát; thay thế ngói lợp bị vỡ, gia cố tường bao bằng gạch ở hai đầu cầu; thay thế những bộ phận bằng gỗ đã hư hại ở mặt cầu và lan can cầu là cần thiết.
Các hình ảnh chụp tổng thể Chùa Cầu và chụp chi tiết các kết cấu gỗ bên trong di tích, mà báo chí và mạng xã hội đăng tải trong những ngày qua cho thấy, đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã làm đúng, làm tốt, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và “tính chân xác” của di tích Chùa Cầu. Những màu sắc có vẻ mới của Chùa Cầu sau khi trùng tu sẽ “trầm lại” chỉ sau vài mùa mưa nắng. Điều quan trọng là những giá trị cốt lõi của Chùa Cầu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cùng các giá trị tình cảm và giá trị sử dụng lâu dài vẫn tồn tại với cộng đồng, quốc gia và nhân loại - Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn nói.
Ông Đặng Khánh Ngọc, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Viện Bảo tồn di tích đã tham gia khảo sát nghiên cứu từ rất sớm vào quá trình chuẩn bị cho dự án tu bổ Chùa Cầu. Trong hội thảo về tu bổ Chùa Cầu năm 2016, Viện đã đóng góp ý kiến, đề xuất phương án thực hiện theo hướng “tiếp cận toàn diện và giải quyết triệt để”. Trong quá trình thiết kế thi công, Viện cũng tham gia ý kiến về các giải pháp tổ chức thi công tu bổ. Trong thời gian vừa qua, với tư cách cá nhân ông cũng thường xuyên qua lại, quan sát hoạt động tu bổ trên công trường cùng các đội ngũ kỹ thuật.
Ông Đặng Khánh Ngọc khẳng định: Từ khi công trình tu bổ Chùa Cầu được hoàn thành, mặc dù chưa được tiếp cận trực tiếp nhưng qua quá trình theo dõi và qua ảnh chụp trên báo và trên các trang mạng xã hội, kết quả tu bổ như vậy là đã đạt được các mục tiêu đặt ra về tu bổ bảo tồn di tích. Đối với những người có chuyên môn về bảo tồn di tích, hình ảnh Chùa Cầu với các yếu tố gốc cấu thành vẫn còn nguyên vẹn, dấu vết thời gian vẫn hiện hữu trên các thành phần di tích. Trừ phần mái ngói và bờ mái sau khi hạ giải, phải dựng lại nên có màu sắc mới nhưng vẫn dựa trên cơ sở dấu vết màu sắc nguyên bản, các cấu kiện gỗ chỉ có cái nào hỏng, không thể duy trì được mới bắt buộc phải thay, còn các thành phần khác đều được giữ lại, kể cả màu sắc.
Như vậy, theo các nguyên tắc về tu bổ, bảo tồn di tích, Chùa Cầu sau tu bổ vẫn được duy trì nguyên vẹn các yếu tố gốc cấu thành di tích với tình trạng kỹ thuật gần đã được cải thiện cơ bản, gần nhất với trạng thái ban đầu. Ví dụ như phần móng, đế cầu... vẫn còn nguyên vẹn về hình thức nhưng đã được gia cố ổn định, bảo đảm duy trì khả năng chịu lực lâu dài cho di tích. Các yếu tố gốc khác như hình ảnh đặc trưng của di tích, cấu trúc sàn cầu, tường chùa, các thành phần kiến trúc, trang trí vẫn còn nguyên vẹn, duy trì “tính chân xác”, giá trị biểu tượng vốn có của di tích.
“Xét trên quan điểm và nguyên tắc bảo tồn, sau khi tu bổ, di tích vẫn giữ được nguyên vẹn, không bị mất mát, không bị xóa bỏ thành phần nào, trong khi tình trạng kỹ thuật đã được cải thiện tốt hơn nhiều, công trình sẽ bền vững, ổn định hơn, đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài, các mục tiêu, tiêu chí đặt ra khi bảo tồn di tích đều đạt được. Thực tế, có rất ít công trình tu bổ di tích đạt được các yêu cầu như quá trình tu bổ Chùa Cầu lần này”, ông Đặng Khánh Ngọc khẳng định.
* Trùng tu cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học
Thông tin từ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An cho biết, từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ 20, Chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996, nhưng do những hạn chế về điều kiện kỹ thuật và nhiều yếu tố khách quan khác, nên những lần tu bổ gần đây vẫn chưa giải quyết căn cơ đối với những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp di tích.
Trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Chùa Cầu, ngày 16/8/2016, Hội thảo quốc tế về trùng tu Chùa Cầu được tổ chức quy mô với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về tu bổ di tích kiến trúc gỗ trong nước và Nhật Bản. Các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất quan điểm chung là Chùa Cầu cần thiết và cấp thiết phải được xây dựng một dự án tu bổ tổng thể, căn cơ vì mục tiêu gìn giữ nguyên vẹn và lâu dài giá trị di tích.
Với sự chuẩn bị dự án kỹ lưỡng và trách nhiệm, ngày 28/12/2022, Chùa Cầu được khởi công tu bổ theo kế hoạch. Mọi hoạt động đều được thực hiện cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công tu bổ di tích. Nhất là việc tiếp tục thu thập, nghiên cứu thông tin, tư liệu; thám sát địa tầng, phân tích dấu vết kiến trúc qua các thời kỳ; tham vấn chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ nhân đối với những vấn đề phát hiện mới, vướng mắc nảy sinh… luôn được chú trọng thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình thi công tu bổ.
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An, với quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể. Từ từng thanh đá, viên gạch, ngói đến khối xây; từ cấu kiện gỗ hệ sàn (đà, dầm, ván sàn), khung, rui mái đến từng chi tiết con ke, ván vách; từ con giống, đoạn bờ mái đến từng chi tiết hoa văn gốm, đĩa cổ… đều được xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, nghiên cứu bóc tách các thành phần hư hỏng, cố gắng giữ lại tối đa có thể những thành phần còn tốt, sử dụng kỹ thuật thi công truyền thống kết hợp các loại vật liệu, hóa chất hiện đại để gia cố, gia cường sự chắc chắn để tận dụng lắp dựng lại... Điều này được phản ánh một cách cụ thể, chân xác qua những số liệu thống kê: có đến gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái… được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.
Cũng theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An, màu sắc hoàn thiện sau tu bổ của Chùa Cầu được giữ nguyên màu hiện trạng của tất cả cấu kiện gỗ, bao gồm cả những chi tiết chạm khắc trang trí, hoành phi, liễn đối, không sơn vẽ gì thêm. Đối với phần tường và chi tiết trang trí trên mái cần phải được phục hồi, bởi hiện trạng gần như đã phai màu hoàn toàn, trong khi cấu trúc vật liệu của chúng đều được làm từ gạch ngói, vữa vôi phần lớn đã bị mục mủn, mất liên kết nên phải được thay thế hoặc gia cố chắp vá để tận dụng. Chính vì vậy, việc phục hồi màu sắc cho tường và trang trí mái là cần thiết, bởi nếu giữ nguyên sắc thái của thành phần được giữ lại trong khi đã phải được gia cố chắp vá loang lổ cùng với những thành phần buộc phải thay mới cũng sẽ không đảm bảo thẩm mỹ, đặc biệt làm thiếu sự tôn nghiêm đối với một công trình tín ngưỡng như Chùa Cầu.
Tuy nhiên, việc phục hồi màu sắc, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần “mới” ra, nhưng điều quan trọng hơn là đã giữ gìn được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích phù hợp với bản chất vốn có của di tích. Theo thời gian, Chùa Cầu sẽ lại trở về với nét cổ kính, trầm mặc như đã từng trải qua trong lịch sử.
Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An khẳng định: Hồ sơ về quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu đã được tập hợp, biên soạn và xuất bản với tên gọi “Tu bổ di tích Chùa Cầu” và phát hành trong dịp khánh thành ngày 3/8/2024, với hy vọng sẽ đem đến cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, du khách gần xa, người dân Hội An có cái nhìn cặn kẽ, thấu đáo, hiểu rõ hơn quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu./.
- Từ khóa:
- Di sản
- Hội An
- Chùa Cầu
- trùng tu di tích