Văn hóa

Các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định - địa chỉ "đỏ" giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc

Tiền Giang

Các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định ở Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt thể hiện sự tri ân, tôn kính đối với anh hùng dân tộc Trương Định.

Toàn cảnh Di tích Lũy Pháo Đài ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang nơi Anh hùng dân tộc Trương Định làm căn cứ chống Pháp.
Ảnh: Hữu Chí - TTXVN

Theo ông Võ Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang, các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định trên địa bàn được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định 694/QĐ-TTg ngày 18/7/2024 là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương, thể hiện sự tri ân, tôn kính đối với anh hùng dân tộc Trương Định trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm. Qua đó, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tỉnh Tiền Giang.

Cụ thể, các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định ở tỉnh Tiền Giang, gồm: Mộ và đền thờ Trương Định (thành phố Gò Công); đền thờ Trương Định, Đám lá tối trời (xã Gia Thuận), ao Dinh (xã Tân Phước), huyện Gò Công Đông; lũy Pháo Đài (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông).

Di tích lũy Pháo Đài cùng di tích Đám lá tối trời là nơi anh hùng dân tộc Trương Định lập căn cứ khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Di tích Đám lá tối trời còn đánh dấu thời điểm đại đồn Chí Hòa thất thủ do quân Pháp tiến công (vào tháng 2/1859), Trương Định rút quân về vùng Gò Công tiếp tục chiến đấu. Ông đã tổ chức nhiều cuộc phục kích tiêu hao lực lượng địch, được triều đình Huế phong Phó lãnh binh rồi Lãnh binh. Năm 1863, Pháp đánh chiếm Gò Công. Trước sức giặc mạnh bạo với vũ khí tối tân, lãnh tụ nghĩa quân Trương Định chọn Đám lá tối trời làm nơi ẩn binh. Ông đã viết hịch kêu gọi các tầng lớp nhân dân và sĩ phu Nam kỳ lục tỉnh đứng lên góp công, góp sức chống lại ách xâm lược của giặc Pháp.

Di tích lịch sử ao Dinh là nơi anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết. Di tích này đã trở thành di tích cấp quốc gia và được nhiều người dân viếng thăm.

Đền thờ Trương Định tại ấp 2, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông là nơi thờ cúng ông - người có công khai phá vùng đất Gò Công. Đây được xem là quê hương thứ hai của ông (bên cạnh quê hương tỉnh Quảng Ngãi), nơi ông lớn lên lập nghiệp và kháng chiến chống ách xâm lược của thực dân Pháp.

Toàn cảnh Mộ và Đền thờ Trương Định ở Thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Ảnh: Hữu Chí - TTXVN

Phát huy giá trị di tích lịch sử, năm 2023, tỉnh Tiền Giang đầu tư 14 tỷ đồng thực hiện dự án mở giai đoạn 2 của đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định gồm trồng cây xanh, tái tạo cảnh quan khu "Đám lá tối trời", mô hình căn cứ nghĩa quân, sân tưởng niệm... giúp nơi đây trở thành điểm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ và thu hút khách tham quan, du lịch. Ngày nay, các điểm Khởi nghĩa Trương Định ở tỉnh Tiền Giang thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng cũng như tìm hiểu thêm thân thế, sự nghiệp của ông.

Theo báo cáo của UBND thành phố Gò Công, trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố thu hút 136.500 lượt khách, trong đó, có hơn 60% khách du lịch đến viếng mộ và đền thờ Trương Định. Đặc biệt, dịp lễ giỗ của ông vào ngày 20/8 (dương lịch) hằng năm luôn thu hút hàng ngàn lượt khách trong, ngoài tỉnh về thắp hương, tưởng nhớ.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Văn Chiến cho biết, các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định tại tỉnh đã trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục thế hệ trẻ về quá trình dựng nước và giữ nước hào hùng của cha ông.

Anh Nguyễn Thành Luân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh chia sẻ, phát huy hào khí Trương Định, tuổi trẻ Tiền Giang nguyện tiếp bước truyền thống hào hùng dân tộc, học tập, lao động và cống hiến, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Tuổi trẻ Tiền Giang ra sức tu dưỡng đạo đức cách mạng; tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống cho thanh, thiếu nhi; nêu cao tinh thần xung kích, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần…

Hằng năm, các trường học trên địa bàn tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức hoạt động về nguồn cho đội viên, đoàn viên, thanh niên và học sinh tham quan di tích lịch sử thuộc các điểm Khởi nghĩa Trương Định nhằm hun đúc tinh thần yêu nước cũng như truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch số 273/KH-UBND về việc tổ chức Lễ hội văn hóa phi vật thể cấp quốc gia kỷ niệm 160 năm Ngày anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864 - 20/8/2024) và đón nhận Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Trương Định.

Các hoạt động Lễ hội được tổ chức chủ yếu tại 4 địa phương: Thành phố Gò Công, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và huyện Tân Phú Đông từ ngày 17/8 đến hết ngày 20/8/2024./.

Hữu Chí

Xem thêm