Con đường dẫn vào Nhà văn hóa thôn Lại Đà, nhiều gia đình đã kê bàn trước cửa nhà để phục vụ miễn phí nước uống, có cả nước đóng chai và nước chanh pha đường.
Thôn Lại Đà đắm chìm trong cái nắng nóng tháng 7 sau những cơn mưa. Đường dẫn vào Nhà văn hóa thôn Lại Đà đông nghịt người đứng xếp hàng, chầm chậm tiến vào nơi tổ chức lễ viếng. Thế nhưng, thật kỳ lạ là nhiều người bảo, dường như cái nắng nóng đã không như thường ngày. Họ đứng xếp hàng thảnh thơi, tay cầm những chiếc quạt cắt từ mảnh bìa carton được người dân nơi đây trao tận tay.
Con đường dẫn vào Nhà văn hóa thôn Lại Đà, nhiều gia đình đã kê bàn trước cửa nhà để phục vụ miễn phí nước uống, có cả nước đóng chai và nước chanh pha đường. Có gia đình mang quạt cây ra cắm, làm dịu đi nắng nóng cho đoàn người đang xếp hàng. Chị Tống Thị Hiệu (xóm 12, thôn Lại Đà) cho biết, nhà chị chỉ cách Nhà văn hóa vài trăm mét. Thấy đoàn người xếp hàng trong nắng nóng để chờ vào viếng, chị đã mang toàn bộ ghế trong nhà ra để ai muốn nghỉ ngơi sẽ có chỗ ngồi. Chị cũng mang hết quạt điện trong nhà ra cổng để giúp người dân xếp hàng bớt nóng. Chị cũng mở cửa để mọi người vào nhà nghỉ chân và đi vệ sinh khi cần.
Ông Ngô Duy Nam (xóm 14, thôn Lại Đà) cho biết, nhiều ngày nay, từ khi địa phương bắt tay vào chuẩn bị cho Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, gia đình ông luôn mở cửa để mọi người gửi xe, uống nước, ăn bánh. “Tình cảm của người dân chúng tôi chỉ làm được như thế, không có gì to tát cả. Ai cũng bảo nhau làm được gì thì làm hết sức, đúng như con người thôn mình”, ông Ngô Duy Nam bộc bạch.
37 người phụ nữ dân tộc Tày vượt hàng trăm cây số, đi xuyên đêm với niềm kính trọng, sự tiếc thương vô hạn nhà lãnh đạo tài ba đã đến với mảnh đất Đông Anh trọng tình nghĩa, vẹn ân tình. Nhiều người trong số họ đã không ăn sáng để kịp vào tiễn biệt Tổng Bí thư thật sớm.
Chị Lương Ngọc Hà (dân tộc Tày, ở tỉnh Lào Cai) cho biết: “Tôi đã khóc, không chỉ là nỗi tiếc thương trước sự mất mát của đất nước, của dân tộc Việt Nam, mà còn là những giọt nước mắt hạnh phúc trước tình cảm sâu đậm của người dân thôn Lại Đà dành cho chúng tôi. Họ đã thay mặt người con ưu tú vừa nằm xuống đáp lại tình cảm của những người dân về đây dự lễ viếng”.
Ông Lương Minh Đức (tỉnh Hải Dương) xúc động chia sẻ: “Chúng tôi được đón tiếp như người thân trở về nhà, khát có nước uống, đói có bánh ăn. Tất cả đều chan hòa, thân tình như những người ruột thịt. Cảm động lắm!”.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII diễn ra vào tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu rằng: "Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng".
Như vậy, định nghĩa hạnh phúc mà Tổng Bí thư đã từng nói được đúc rút từ những đức tính đáng quý của người dân trên mọi miền Tổ quốc, trong đó có quê hương Lại Đà. Những hạnh phúc bình dị từ bao đời ấy đã thấm đẫm tâm hồn, nuôi dưỡng nhân cách ông, để đất nước có một người con ưu tú, để dân tộc có một nhà lãnh đạo dành trọn cuộc đời cho dân, cho nước.
Hà Nội lúc nắng, lúc mưa hòa cùng nỗi lòng tiếc thương vô hạn của hàng chục triệu người dân Thủ đô và cả nước khi tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại nơi quê nhà Tổng Bí thư ở làng Lại Đà, xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội), những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh rất đỗi yêu thương kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng./.
- Từ khóa:
- Lại Đà
- Quê hương
- Tổng Bí thư
- Nguyễn Phú Trọng
- người dân
- viếng