Lễ hội Yên Thế được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012, loại hình Lễ hội truyền thống.
Ngày 23/7, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phối hợp UBND huyện Yên Thế tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị lễ hội Yên Thế”.
Lễ hội Yên Thế được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012, loại hình Lễ hội truyền thống. Lễ hội Yên Thế ban đầu là Lễ hội Phồn Xương có lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ ngày hội cầu mùa của nhân dân trong vùng được tổ chức vào mùa thu hàng năm tại đình, đền Phồn Xương, xã Phồn Xương (nay thuộc thị trấn Phồn Xương), huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Từ năm 1884, khi cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế nổ ra, nhất là giai đoạn Hoàng Hoa Thám làm thủ lĩnh của nghĩa quân, ông đã điều chỉnh tổ chức lễ hội Phồn Xương vào trung tuần tháng Giêng. Lễ hội lúc này được mở rộng cả về quy mô với rất nhiều các nghi lễ, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống mang đậm tinh thần thượng võ, bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo nhân dân các vùng lân cận tham gia. Ngoài những hoạt động vốn có của lễ hội truyền thống, Hoàng Hoa Thám còn tổ chức lập đàn cầu siêu các vong hồn tử trận của nghĩa quân Yên Thế và nhân dân quanh vùng; lễ phóng ngư, thả điểu thể hiện tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình, khát vọng tự do của nghĩa quân nói riêng và nhân dân ta nói chung.
Lễ hội Phồn Xương thời kỳ này đã trở thành ngày hội văn hóa mang ý nghĩa sâu sắc lớn lao cả về văn hóa tâm linh, đem đến đời sống tinh thần phong phú cho nghĩa quân và cộng đồng nhân dân vùng Yên Thế.
Từ sau năm 1913, khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế thất bại, lễ hội Phồn Xương không được tổ chức với quy mô lớn như trước mà thay vào đó nhân dân Phồn Xương tổ chức hội vào ngày mồng 5 tháng Giêng (là ngày giỗ của Hoàng Hoa Thám), để tưởng nhớ vị thủ lĩnh tài hoa của nghĩa quân Yên Thế.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo khẳng định, đây là lễ hội có giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc, nhằm tôn vinh, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn bó mật thiết với cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo chống lại thực dân Pháp xâm lược (từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20). Đặc biệt, việc tổ chức lễ hội Yên Thế còn nhằm khẳng định truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất của nhân dân ta chống lại kẻ thù xâm lược. Qua đó, góp phần động viên, khích lệ nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm từ nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa trung ương và địa phương. 18 bài tham luận cùng nhiều ý kiến được thảo luận sôi nổi đi sâu phân tích làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của Lễ hội Yên Thế qua các giai đoạn lịch sử; đánh giá công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị lễ hội Yên Thế trong giai đoạn hiện nay; phân tích và đưa ra các định hướng, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp khai thác di sản văn hóa trong lễ hội gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt “Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế”, phục vụ phát triển kinh tế -xã hội, phát triển du lịch trên địa bàn huyện Yên Thế nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Nguyễn Sĩ Cầm ghi nhận các tham luận cũng như các ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã giải quyết được cơ bản những mục tiêu, nhiệm vụ mà hội thảo đề ra và đưa ra những định hướng, đề xuất các giải pháp khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Yên Thế gắn với bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt “Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế”, phục vụ phát triển kinh tế -xã hội, phát triển du lịch trên địa bàn huyện Yên Thế nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ xây dựng Đề án tổ chức lễ hội Yên Thế giai đoạn 2025-2035 nhằm phát huy tối đa các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, bài bản hơn, chất lượng hơn, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của người dân, cộng đồng./.