Để công nghiệp văn hóa phát triển, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm.
Nhận thấy tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã triển khai nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng; hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm...
* Nhiều chính sách thúc đẩy
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa, có thể kể đến như:. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Quyết định “Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ngày 18/6/2016, của Thủ tướng Chính phủ... Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đề ra nhiệm vụ: "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam".
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 6 nhiệm vụ lớn, trong đó có nhiệm vụ: "khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh".
Có thể thấy, phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương. Công nghiệp văn hóa đang dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều bất cập, thách thức. Đó là, hiện vẫn chưa có một văn bản pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa. Đồng thời, thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm. Nguồn nhân lực còn thiếu về số lượng và chất lượng; chưa có chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hóa trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia… Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa chưa tập trung khai thác các giá trị truyền thống, văn hóa bản địa để tạo sự độc đáo riêng, tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam và nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh.
* Thay đổi từ nhận thức, tư duy đến hành động
Để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, cạnh tranh...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trong thời đại toàn cầu hóa, sự phát triển của các quốc gia đều ảnh hưởng lẫn nhau, các ngành công nghiệp văn hóa chính là tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế, giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia và đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa; đồng thời là công cụ hữu hiệu cho tăng trưởng, đổi mới kinh tế, biến văn hóa trở thành một thành tố quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp xây dựng nền kinh tế sáng tạo, bao gồm các lĩnh vực có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, công nghiệp văn hóa còn đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân và phát triển nền văn hóa của mỗi quốc gia; đồng thời nó còn là kênh hữu hiệu để truyền bá các thông điệp văn hóa của mỗi quốc gia đến với cộng đồng quốc tế.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cho rằng, so với các nước, sự phát triển của công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn non trẻ, nhưng Việt Nam lại có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa. Theo đó, với chiều dài lịch sử phát triển cùng bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em, Việt Nam thực sự là kho tàng văn hóa mà không phải quốc gia nào cũng may mắn có được. 54 dân tộc sinh sống trên dải đất hình chữ S đã hình thành nên những nền văn hóa đặc sắc, phong phú. Bên cạnh những giá trị về văn hóa vật thể (các công trình kiến trúc nghệ thuật truyền thống), Việt Nam còn sở hữu vô số những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu (quan họ, ca trù, hát xoan, cải lương, tuồng, chèo…).
Thêm vào đó, lịch sử hàng ngàn năm để tạo ta một kho tàng vô giá về di tích, nghi lễ, lễ hội, trò chơi dân gian, thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán, truyền thuyết, hình tượng anh hùng... Tất cả đều có thể trở thành chất liệu tuyệt vời cho sáng tạo, tạo ra những sản phẩm văn hóa nghệ thuật vừa tôn vinh văn hóa dân tộc, vừa tạo ra sự khác biệt, giá trị riêng cho các sản phẩm văn hóa nghệ thuật.
Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế này, nếu biết tận dụng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam chắc chắn sẽ xây dựng thành công công nghiệp văn hóa.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giúp Việt Nam tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Đây cũng là chiến lược để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự dồi dào của hàng hóa - dịch vụ văn hóa Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế chính là sức mạnh mềm văn hóa quan trọng của quốc gia, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống người dân, cũng như mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới, phát huy nội lực, quảng bá đất nước - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn khẳng định.
* Cần một chiến lược mới
Trong nỗ lực đưa các ngành công nghiệp văn hóa phát triển và có những đóng góp tích cực cho đất nước, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị tham vấn các đại biểu là những nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quản lý, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân… có tham gia hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa cùng góp ý xây dựng Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, qua thực tiễn 8 năm triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã nảy sinh một số tồn tại, hạn chế, cần tiếp tục xây dựng Chiến lược mới, nhằm phát huy mọi tiềm năng, cơ hội, giải quyết các thách thức để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị di sản văn hóa, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng…
Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho rằng, bản chất năng động của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đòi hỏi chúng ta phải có những đánh giá thường xuyên, điều chỉnh kịp thời và thích ứng liên tục với bối cảnh mới đó để tối đa hóa nguồn lực hiện có, nắm bắt xu hướng phát triển của tương lai trong lĩnh vực này. Đó là yêu cầu cấp thiết về cả lý luận và thực tiễn đối với việc cần phải xây dựng một chiến lược mới về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm phát huy có hiệu quả hơn nữa tiềm năng văn hóa và sáng tạo của quốc gia; giải quyết các thách thức hiện nay về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, công nghệ, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững… để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm hơn.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được xem như một khâu đột phá trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, giúp chúng ta phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam nhằm thực hiện khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, soi đường cho quốc dân đi trong sự nghiệp đổi mới hiện nay./.
- Từ khóa:
- công nghiệp văn hóa
- làng nghề
- văn hóa
- nghệ thuật
- du lịch