Xác định du lịch là một trong hai ngành kinh tế mũi nhọn, An Giang đang nỗ lực đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Sáu tháng đầu năm 2024, ngành Du lịch An Giang ghi nhận kết quả khá tích cực khi đón lượng khách du lịch cao kỷ lục với 7 triệu lượt, tăng 16% so với cùng kỳ, hoàn thành 78% kế hoạch đề ra cho cả năm. Tổng doanh thu đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ và đạt 129% so với kế hoạch cả năm (6.200 tỷ đồng), góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển.
Theo thống kê, mức chi tiêu bình quân chung của một lượt khách du lịch tại An Giang trên 1,96 triệu đồng.
Xác định du lịch là một trong hai ngành kinh tế mũi nhọn, An Giang đang nỗ lực đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2024, An Giang phấn đấu đón 9 triệu lượt khách đến các khu, điểm du lịch, điểm tham quan, trong đó lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn và nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 800.000 lượt, 25.000 lượt khách quốc tế.
Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Du lịch An Giang luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước nhờ các sản phẩm đa dạng, nhiều lễ hội độc đáo và sự nồng hậu, mến khách của người dân địa phương. Số lượng khách du lịch đến An Giang luôn duy trì ở mức cao; các dịch vụ ăn uống, lưu trú, hoạt động du lịch được mở rộng cả về quy mô và chất lượng nên lượng khách lưu trú và tăng chi tiêu khi đến du lịch tỉnh tăng cao so với cùng kỳ 2023.
Các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, chuẩn bị chu đáo để đón khách du lịch. Chính quyền địa phương chỉ đạo sát sao, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ các khu, điểm du lịch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường du lịch.
Thời gian qua, An Giang đưa vào khai thác sản phẩm du lịch mới độc đáo như: Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc với 165 chiếc bè trải dài gần 1km, được tô điểm bằng 6 khối màu đỏ, cam, vàng, lục, lam, tím tạo nên cảnh sắc thơ mộng, trở thành điểm tham quan nổi tiếng được du khách gần xa yêu thích. Tỉnh cũng đưa vào vận hành Cổng thông tin du lịch An Giang checkinangiang.vn và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động. Đây được xem là bước đi tiên phong của An Giang trong việc phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao của du khách, hướng du khách tiếp cận nhanh chóng nhiều xu hướng du lịch mới, hiện đại, hấp dẫn, kích thích sự tăng trưởng và phát triển bền vững du lịch An Giang.
Trước nhu cầu khách du lịch đến An Giang tăng cao nhất là trong dịp lễ, Tết sắp tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước cho biết, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động thương mại, dịch vụ; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý ngành du lịch và các cơ sở hoạt động du lịch. An Giang cũng khuyến khích các địa phương đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, gắn hoạt động du lịch với tuyên truyền văn hóa, truyền thống người An Giang và các hoạt động sinh thái. Tỉnh tập trung phát triển các tour, tuyến du lịch; thay đổi tư duy làm du lịch từ số lượng sang chất lượng, hướng đến phát triển du lịch bền vững, thân thiện với môi trường.
Để ngành Du lịch An Giang tăng tốc, tỉnh sẽ đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long; liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long; hợp tác liên kết về du lịch giữa tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh đẩy nhanh việc thực hiện các dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng để phát triển kinh tế xã hội, trong đó có phát triển du lịch.
An Giang là địa phương duy nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long vừa có núi vừa có đồng bằng nên sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh và quần thể di tích kiến trúc nổi tiếng. Toàn tỉnh hiện có 88 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 58 di tích cấp tỉnh.
Song song đó, An Giang còn sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm và Hoa như: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (thành phố Châu Đốc), hội đua bò Bảy Núi (huyện Tri Tôn), tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer; lễ hội Kỳ yên ở đình thần Thoại Ngọc Hầu (huyện Thoại Sơn).
Toàn tỉnh hiện có 5 khu, điểm du lịch được công nhận gồm 1 khu du lịch quốc gia, 1 khu du lịch cấp tỉnh và 3 điểm du lịch. Để ngành Du lịch phát triển đúng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, tỉnh An Giang đang đẩy mạnh kêu gọi nhà đầu tư vào 4 khu, điểm du lịch trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh cao trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Khu Du lịch quốc gia Núi Sam (thành phố Châu Đốc); khu du lịch Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư (thị xã Tịnh Biên); khu du lịch Mỹ Hòa Hưng - cồn Phó Ba (thành phố Long Xuyên) và Khu di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn).
Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, du lịch An Giang được kỳ vọng tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương./.
- Từ khóa:
- Du lịch
- An Giang
- ngành kinh tế mũi nhọn