Sở Du lịch sẽ phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức rà soát chất lượng, dịch vụ, vận động các căn hộ du lịch, homestay nghỉ dưỡng trên địa bàn có quy mô, chất lượng phù hợp đăng ký xếp hạng sao.
Chiều 17/7, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp ngành du lịch và chính quyền thành phố nhằm giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp tập trung vào vấn đề chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành, phát triển sản phẩm tạo sức hút cho du lịch của thành phố. Đại diện Công ty Tư vấn và xúc tiến Á Châu nêu vấn đề, thành phố Thủ Đức là khu vực có quy mô lớn đang trong quá trình quy hoạch phát triển nhưng đến nay chưa có một khách nào đạt chuẩn 3 sao trở lên. Đây là hạn chế lớn trong việc thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài đến lưu trú.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Theo Luật Du lịch 2017, các cơ sơ lưu trú du lịch đáp ứng cơ các yêu cầu về cơ sở vật chất và dịch vụ được quy định tại TCVN 4391:2015 có thể lập hồ sơ gửi về Sở Du lịch đề nghị công nhận hạng sao. Trên cơ sở đó, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện triển khai đánh giá, thẩm định cơ sở vật chất, kỹ thuật dịch vụ thực tế tại cơ sở để xem xét công nhận hạng sao theo quy định.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, bên cạnh các khách sạn, các loại hình lưu trú khác tại thành phố Thủ Đức như căn hộ du lịch, homestay nghỉ dưỡng có xu hướng phát triển nhanh, quy mô lớn. Sở Du lịch sẽ phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức rà soát chất lượng, dịch vụ, vận động các căn hộ du lịch, homestay nghỉ dưỡng trên địa bàn có quy mô, chất lượng phù hợp đăng ký xếp hạng sao.
Đồng thời, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, các sở, ngành liên quan đề xuất các chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khách sạn (hoạt động theo hệ thống tại khu vực trung tâm thành phố) phát triển thêm các cơ sở lưu trú du lịch có quy mô từ 3 sao trở lên tại các khu vực khác. Trong thời gian tới, Sở Du lịch khuyến khích thành phố Thủ Đức và các quận, huyện có các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư vào địa phương nâng cấp, mở rộng hệ thống, xây mới cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Đại diện Công ty Alla Travel nêu thực trạng, giá dịch vụ, khách sạn thường xuyên thay đổi, theo chiều hướng tăng thêm; giá dịch vụ các điểm tham quan tăng tự do không có ai quản lý đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành trong việc tổ chức tour tuyến cho khách hàng. Các công ty lữ hành khó vay vốn ngân hàng vì không có tài sản đảm bảo. Vốn lưu động bị “chôn” ở các booking đặt cọc vé máy bay rất lớn. Có chính sách nào hỗ trợ các công ty du lịch trong việc vay vốn lưu động hay không?
Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, các cơ sở lưu trú du lịch có triển khai kê khai giá cung cấp dịch vụ theo quy định của Thông tư 233/2016/TT-BTC của Bộ Tài Chính. Các đơn vị có thể cung cấp chính sách giá giảm so với giá kê khai trong các chương trình kích cầu du lịch nhân các ngày lễ lớn trong năm hoặc triển khai theo các chính sách ưu đãi theo mùa vụ của doanh nghiệp, tuy nhiên giá dịch vụ không cao hơn giá bán đã kê khai với các cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp phát hiện các đơn vị khách sạn bán giá cao hơn giá đã kê khai, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phối hợp xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Ngành du lịch thành phố trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Du lịch Thành phố sẽ kiến nghị Cục thuế Thành phố nghiên cứu quy định pháp luật để có chính sách hỗ trợ phù hợp cho đơn vị trong tình hình giai đoạn sắp tới. Với vấn đề vay vốn lưu động, Sở Du lịch ghi nhận khó khăn của doanh nghiệp và sẽ phản ánh kịp thời đến Ngân hàng Nhà nước để có hướng hỗ trợ phù hợp.
Lãnh đạo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng thông tin, ngành du lịch Thành phố xác định phát triển du lịch gắn với kinh tế đêm “là một giải pháp chiến lược để thúc đẩy ngành du lịch thành phố phát triển”. Thành phố có những lợi thế để sẵn sàng đẩy mạnh phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm đặc sắc, độc đáo dựa vào cảnh quan thiên nhiên, không gian văn hóa, lịch sử, ẩm thực, mua sắm, vui chơi, giải trí... là những loại hình du lịch được du khách lựa chọn trải nghiệm khám phá vào buổi tối.
Để du lịch ban đêm tại Thành phố trở thành “đòn bẩy phát triển khinh tế”, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh triển khai các ứng dụng, tiện ích hỗ trợ khách du lịch, ưu tiên triển khai thanh toán trực tuyến, sử dụng tự động hóa trong cung cấp dịch vụ tại các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Khuyến khích các bảo tàng, khu di tích, khu điểm du lịch… tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm mở cửa phục vụ du khách về đêm. Phát triển những sản phẩm du lịch gắn với khám phá nét văn hóa cộng đồng đô thị về đêm, tập trung ở các tuyến phố chuyên doanh tại Quận 1, Quận 5, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ…
Về công tác phát triển sản phẩm du lịch, Thành phố xác định 4 nhóm sản phẩm chính đang có nguồn thu lớn là văn hóa lịch sử, hội nghị hội thảo triển lãm, du lịch kết hợp ẩm thực, du lịch kết hợp mua sắm. Ngành cũng xác định các sản phẩm tiềm năng lợi thế của Thành phố như du lịch đường thủy, du lịch không ngủ gắn với vui chơi giải trí và kinh tế đêm./.
- Từ khóa:
- Du lịch
- Thành phố Hồ Chí Minh
- văn hóa
- Sài Gòn
- phát triển