Hải Phòng đã đầu tư dài hơi cho văn hóa nghệ thuật, tạo dựng được môi trường nghệ thuật cho nhân dân. Thành phố tiếp tục đầu tư để trở thành "thành phố âm nhạc", nơi tổ chức các sự kiện âm nhạc lớn trong nước và thế giới.
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền Hải Phòng đã quan tâm khơi dậy nguồn lực đặc biệt xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Thành phố kiên trì, dành nguồn lực, quy tụ tài năng của đất nước tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, qua đó tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mang dáng vóc, dấu ấn của đất và người Hải Phòng.
* Làn gió mới từ những vở nhạc kịch
Trong chương trình "Đề án Sân khấu truyền hình" tháng 6, Đoàn Ca múa Hải Phòng công diễn vở nhạc kịch "Bỉ vỏ" được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nhà văn Nguyên Hồng. Tái hiện Hải Phòng năm 1937, vở nhạc kịch vẽ nên thành phố Hải Phòng, một hải cảng giao thương sầm uất bậc nhất của Đông Dương, với đầy đủ mọi thành phần xã hội "bát nháo" với những "anh chị" có "số má", hung tợn, liều lĩnh nhưng cũng rất "tay chơi, nghĩa hiệp". Năm Sài Gòn cùng đồng bọn và Tám Bính là những nhân vật được khắc họa trên sân khấu nhạc kịch "Bỉ vỏ". Điều đặc biệt nhất trong vở kịch này là các diễn viên đều là người Hải Phòng, với giọng nói, tiếng hát mang âm hưởng hào sảng, đậm chất của người dân miền cửa biển.
Là một khán giả yêu thích các chương trình thuộc "Đề án Sân khấu truyền hình", chị Đặng Thị Ngoan, giáo viên môn Ngữ văn cho biết, năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật trực thuộc công diễn vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" của Đại thi hào Victor Hugo và năm nay là vở nhạc kịch "Bỉ vỏ". Cả hai vở nhạc kịch đều được công diễn trong Nhà hát thành phố - nơi có không gian nghệ thuật đặc sắc do người Pháp xây dựng, cùng với diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên, đã cho khán giả cảm thấy đang sống đúng trong những giai đoạn lịch sử đầy đặc biệt của đất nước và thế giới. Đây chính là những tài sản tinh thần vô giá mà nếu không có "Đề án Sân khấu truyền hình", chị Ngoan cũng như nhiều người dân khác của thành phố Cảng sẽ hiếm có cơ hội để thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.
Tại chương trình sơ kết "Đề án Sân khấu truyền hình" 6 tháng đầu năm 2024, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam khẳng định, Hải Phòng đã đầu tư dài hơi cho văn hóa nghệ thuật, tạo dựng được môi trường nghệ thuật cho nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu nhi. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng bày tỏ, Hải Phòng tiếp tục đầu tư để trở thành "thành phố âm nhạc", nơi tổ chức các sự kiện âm nhạc lớn trong nước và thế giới.
* Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa
Bà Carol Park, lãnh đạo của một tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Hải Phòng cho biết, bà là một trong những vị khách nước ngoài được mời dự Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng 2024. Bà rất ấn tượng với không gian hoành tráng, những màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc trong đêm hội. Qua đó, bà thêm hiểu, thêm yêu lịch sử, kinh tế, xã hội của Hải Phòng - nơi bà sẽ có nhiều thời gian sinh sống và làm việc tại đây.
Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, thành phố là địa phương duy nhất của cả nước tổ chức các buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật định kỳ theo "Đề án sân khấu truyền hình". Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động và con em của họ. Khi người lao động "rung động, yêu thương và gắn bó" với thành phố, họ sẽ có tâm thế hăng say làm việc, đóng góp cho doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Hải Phòng có 14 khu công nghiệp đang hoạt động, là nơi đầu tư của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như LG, Pegatrol… Thành phố đang triển khai các bước để thành lập Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng. Dự kiến, khu kinh tế này sẽ có 12 khu công nghiệp, góp phần quan trọng để Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á".
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam, thành phố đang xây dựng Trung tâm nghệ thuật biểu diễn tại Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, huyện Thủy Nguyên, với 1.500 chỗ ngồi, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2025. Đây sẽ là nơi biểu diễn các sự kiện lớn của quốc gia và quốc tế, trong đó có các sự kiện âm nhạc, nghệ thuật.
Ông Lê Khắc Nam khẳng định, lãnh đạo thành phố luôn dành nguồn lực ưu tiên cho phát triển văn hóa, nghệ thuật, đảm bảo an sinh xã hội. Mỗi năm, Hải Phòng dành khoảng 40 tỷ đồng cho "Đề án Sân khấu truyền hình" cùng nhiều nguồn lực khác để tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn của thành phố và đất nước. "Đề án Sân khấu truyền hình" được coi là những bước đi đầu tiên để hình thành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố./.