Văn hóa

Đầu tư hơn 166 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh

Khánh Hòa

Thành cổ Diên Khánh được xây dựng năm 1793, thời vua Gia Long, trên diện tích 3,5ha, chiều dài thành 2.600m, tường thành cao 3,5m.

Cửa Tiền của thành cổ Diên Khánh, nằm trên trục đường phía Nam thị trấn Diên Khánh. 
Ảnh minh họa: Phan Sáu - TTXVN

Ngày 17/7, ông Nguyễn Thanh Hiến, Giám đốc Ban Quản lý các dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa - chủ đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh cho biết, dự kiến trong tháng 9/2024 sẽ khởi công trùng tu thành cổ Diên Khánh (thuộc địa bàn thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh). Dự kiến, chủ đầu tư sẽ giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng dự án trong hai năm 2024-2025.

Theo quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án tu bổ, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh của UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án này có 12 hạng mục được trùng tu, phục hồi, bảo tồn, trong đó, có các hạng mục trùng tu theo nguyên gốc như: Tuyến thành đất dài 2.500m, đỉnh thành rộng hơn 4m, lối đi lát gạch rộng 2,6m... Những hạng mục xây mới là đường dài 2.000m, rộng 6m, chạy sát chân thành; cầu vòm bắc qua hào nước, các tiểu công viên, chỉnh trang cầu tại các cổng thành; nạo vét bùn đất và vệ sinh lòng hào, mái hào và chống thấm thành hào, đáy hào; hệ thống đèn chiếu sáng, công trình vệ sinh...

Kinh phí thực hiện dự án là hơn 166 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, 70 tỷ đồng là chi phí xây dựng, hơn 67 tỷ đồng là tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng... Từ đầu năm 2024, Ban đã công bố các thông tin liên quan đến dự án này để người dân nắm rõ.

Thành cổ Diên Khánh được xây dựng năm 1793, thời vua Gia Long, trên diện tích 3,5ha, chiều dài thành 2.600m, tường thành cao 3,5m. Thành cổ Diên Khánh từng là trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh Khánh Hòa từ năm 1802 đến 1945. Năm 1988, thành cổ được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Thành cổ Diên Khánh là di tích lịch sử quan trọng của tỉnh Khánh Hòa, biểu tượng văn hóa, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống và lịch sử quý báu của vùng đất này. Công tác trùng tu tập trung khôi phục các phần bị hư hại, sử dụng vật liệu và phương pháp truyền thống để giữ nguyên bản sắc kiến trúc cổ xưa./.

Anh Tuấn

Xem thêm