Văn hóa

Độc đáo Lễ hội Tiên Lục tại Bắc Giang

Bắc Giang

Tục kéo chữ và trò chơi cướp cầu cũng được diễn ra tại khu vực sân trước Thảo xá ngay sau khi lễ tế Thánh kết thúc. Chữ mà dân làng Tiên Lục kéo mỗi khi mở hội là chữ "Thiên, Hạ, Thái, Bình" (chữ Hán).

TTXVN - Ngày 27/4 (tức 19/3, năm Giáp Thìn), tỉnh Bắc Giang đã khai hội Tiên Lục tại xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang. Lễ hội Tiên Lục là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2022 bởi có nhiều nét độc đáo cả phần lễ và hội như: lễ rước và lễ tế; tục kéo chữ và trò chơi cướp cầu...

Lễ tế tại chùa Phúc Quang.
Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Lễ hội Tiên Lục được nhân dân địa phương bảo tồn gần như nguyên vẹn từ công tác chuẩn bị đến các nghi lễ như: Rước, tế, không gian diễn ra lễ hội, trò chơi dân gian… Điểm khác là thời gian được chuyển sang ngày 18, 19, 20/3 âm lịch (là ngày khánh thành chùa Phúc Quang sau khi tu bổ từ năm 1707 và cũng là ngày giỗ sư tổ Nguyễn Văn Tính - người có công lớn trong việc trùng tu và tôn tạo chùa) thay vì ngày 8, 9 tháng Giêng như trước đây.

Ngay từ chiều 18/3 âm lịch, theo thông lệ, tại chùa Phúc Quang, sư thầy sẽ thỉnh kinh làm lễ rước nước. Nước được lấy từ giếng cổ có tên là Giếng Lẩm, ở thôn Trong (đây là một trong những giếng cổ trong vùng Tiên Lục xưa) và rước về chùa. Nghi lễ này được làm theo sư tổ Tự Chiếu Chiêm ở chùa từ thế kỷ XVIII, thể hiện ước nguyện của người nông dân cầu mong cho nguồn nước dồi dào, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Ngày hội 19/3 âm lịch bắt đầu từ 1 giờ, dân làng làm lễ khai thanh rồi lễ tranh chiêng, tranh trống giữa làng. Buổi sáng, trai làng đi làm lễ cáo yết tại đình, đền rồi tiến hành lễ rước kiệu từ hai đình Viễn Sơn và đình Thuận Hòa về Thảo xá tập trung làm lễ tế Thánh, xếp chữ, cướp cầu ở đó. Lễ hội có hai đoàn rước từ hai phía: Một đoàn rước được bắt đầu ở đình Viễn Sơn (bên Đông) và Cây Dã hương; một đoàn rước từ đình Thuận Hòa (bên Tây).

Tục kéo chữ và trò chơi cướp cầu cũng được diễn ra tại khu vực sân trước Thảo xá ngay sau khi lễ tế Thánh kết thúc. Chữ mà dân làng Tiên Lục kéo mỗi khi mở hội là chữ "Thiên, Hạ, Thái, Bình" (chữ Hán). Theo hiệu lệnh điều hành của ông Quan hội (là người làm lễ tế cầu ở Thảo xá và tung cầu) hô: Sau ba tiếng trống này vào chữ "Điền" để chuẩn bị vào chữ "Thiên". Đi xong chữ "Thiên", ông Quan hội lại hô: Sau ba tiếng trống này ra chữ "Hạ". Cứ như vậy theo lời hô của ông Quan hội, các giai đinh di chuyển lần lượt vào các chữ còn lại là chữ "Thái" và chữ "Bình". Như vậy, lần lượt chữ "Thiên, Hạ, Thái, Bình" hiện ra, thể hiện ước nguyện của cộng đồng về cuộc sống thái bình, ấm no, hạnh phúc.

Sau tục kéo chữ sẽ diễn là lễ gieo cầu. Các giai đinh của hai đoàn rước là những người chơi được gọi là quân cầu được chia làm 2 phe ở hai bên sân. Quả cầu được làm bằng gỗ mít, hình tròn đường kính khoảng 50 cm, nặng 20 kg, bên ngoài dán giấy mầu vàng, đỏ. Ngày thường quả cầu được đặt trong hậu cung đình làng. Đến giờ quy định, các quân cầu tiến ra sân hội đứng quay mặt vào Thảo xá lễ Thánh. Lễ xong, tất cả reo hò vang rộn. Ông Quan hội (còn gọi là ông Lềnh trưởng) mặc áo tế, đội mũ, đi hia, đứng ở bậc tam cấp cửa Thảo xá tung cầu (sẽ có 2 lần tung cầu). Khi tung cầu cho hai đội tranh cầu, quả cầu lúc được tung lên, lúc hạ xuống nhưng không lúc nào rơi xuống đất. Hai bên tranh đẩy để đưa quả cầu về quá vạch của đối phương là thắng cuộc.

Theo quan niệm dân gian, quả cầu ở đây tượng trưng cho mặt trời. Nó được mang vác từ Đông sang Tây theo hướng mặt trời mọc và lặn. Cướp được cầu cũng có nghĩa là cướp được mặt trời, cướp ánh nắng cho lúa khoai. Trò cướp cầu ở Tiên Lục nhằm rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn tâm linh, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; đồng thời thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong thôn, xóm và biểu tượng sự gắn kết cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, tại lễ hội cũng diễn ra nhiều trò chơi dân gian, thu hút du khách tham dự./.

Danh Lam

Tin liên quan

Xem thêm