Làm rõ vấn đề lý luận, thực tiễn qua 50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
50 năm qua, sau chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, lĩnh vực văn hóa, xã hội và con người đã có những bước đổi mới, phát triển quan trọng phù hợp với từng chặng đường của cách mạng.
Sáng 23/7, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, 50 năm qua, sau chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đất nước đã đạt nhiều thành tựu quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Trong đó, lĩnh vực văn hóa, xã hội và con người đã có những bước đổi mới, phát triển quan trọng phù hợp với từng chặng đường của cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em; ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân; được bảo tồn, phát huy; từng bước trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, cho đến nay văn hóa vẫn chưa thực sự được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, chưa đạt hiệu quả cao.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ một trong các nguyên nhân chính của những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa là: “việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả”; đồng thời yêu cầu phải “phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới”. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh việc “sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người”; “phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa”.
Tiếp tục triển khai tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa và kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, hướng tới kỷ niệm 50 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025), Hội thảo là một bước thảo luận nhằm nhận thức, đánh giá đúng và đầy đủ hơn những thành tựu và những vấn đề đặt ra 50 năm qua trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tại Hội thảo, với tinh thần cởi mở, tâm huyết, trách nhiệm cao, các đại biểu tham dự đã phát biểu tập trung vào các nội dung trọng tâm: những thành tựu, hạn chế và những nguyên nhân của thành tựu, hạn chế trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc qua 50 năm thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; đánh giá thực trạng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc 50 năm qua; những vấn đề đặt ra hiện nay và định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới..
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, điểm nhấn trong triển khai xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô đó là liên tiếp trong nhiều nhiệm kỳ Thành ủy Hà Nội đều ban hành Chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Để phát huy và khai thác tối đa nguồn lực trên lĩnh vực văn hóa, ở nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/02/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Mới đây nhất, Thành ủy Hà Nội tiếp tục tạo bước đột phá trong xây dựng văn hóa, con người Thủ đô bằng việc ban hành Chỉ thị số 30 ngày 19/2/2024 về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” - đây được coi giải pháp nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới.
Trong phát biểu tham luận tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lương Đình Hải (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhấn mạnh, nhiều năm qua, chúng ta tập trung và khuyến cáo, cổ vũ, ngợi ca những đặc tính tốt đẹp, những phẩm chất, giá trị của con người và xã hội Việt Nam mà thiếu đi sự chi tiết hóa, cụ thể hóa các phẩm chất, giá trị chung đó thành những chuẩn mực chi tiết, cụ thể, sát hợp với từng dạng chủ thể, từng ngành nghề, địa bàn, cơ quan, đơn vị. Do vậy, tính chất trừu tượng, lý luận, chung, bao quát chỉ lắng đọng ở một vài tầng lớp của xã hội, không thấm sâu và ảnh hưởng trực tiếp đến đông đảo dân cư, cộng đồng. Ông Lương Đình Hải cho rằng cần thay đổi tư duy, phương thức, cách làm, để các giá trị, phẩm chất, đặc tính có thể được trao truyền rộng rãi, trở thành chuẩn mực thực sự tác động trong cuộc sống thường ngày.
Đề cập đến chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần có giải pháp về chính sách để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công nghiệp văn hóa như một lĩnh vực quan trọng cho phát triển đất nước. Đồng thời, đảm bảo sự phối hợp ở mọi lĩnh vực: văn hóa, kinh tế, xã hội, giáo dục cũng như với các chương trình phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội quan trọng khác, nhằm định vị và xác lập các ngành công nghiệp văn hóa như một chương trình nghị sự trọng điểm trong phát triển của tất cả bộ, ngành với tầm nhìn đến năm 2030./.