Đối với mục tiêu quốc gia Vì Việt Nam hạnh phúc, việc giải quyết mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và mối quan hệ giữa con người với con người là hai tiêu chí đặc biệt quan trọng mang tính then chốt để hoàn thành mục tiêu này.
TTXVN - Đây là chủ đề Tọa đàm bàn tròn do Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức sáng 20/3, tại Hà Nội. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình mục tiêu quốc gia Vì Việt Nam hạnh phúc.
Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm, Tiến sỹ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững cho biết, nhiều người thường nghĩ đơn giản, thiên nhiên là một phần của cuộc sống, thế nhưng nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng chỉ khi hòa mình và giao tiếp được với thiên nhiên, con người mới cảm nhận được vô vàn điều tuyệt vời mà trước đó chưa từng biết đến. Quá trình khai thác thiên nhiên, con người đã vô tình hoặc cố ý làm tổn thương nặng nề đến nguồn tài nguyên giàu có mà tạo hóa đã ban cho.
Đối với mục tiêu quốc gia Vì Việt Nam hạnh phúc, việc giải quyết mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và mối quan hệ giữa con người với con người là hai tiêu chí đặc biệt quan trọng mang tính then chốt để hoàn thành mục tiêu này. Do vậy, trong khuôn khổ Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ cùng thảo luận vai trò và đóng góp của khoa học liên ngành trong việc định hướng và đề xuất giải pháp chữa lành với thiên nhiên trên các khía cạnh chủ yếu như: năng lượng, du lịch, quy hoạch kiến trúc, y học, giáo dục...
Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, quá trình khai thác thiên nhiên, con người do lòng tham và tầm nhìn, kiến thức hạn hẹp đã vô tình hoặc cố ý làm tổn thương nặng nề đến nguồn tài nguyên giàu có mà tạo hóa đã ban cho. Những cơn giận dữ của “Mẹ thiên nhiên” thể hiện qua thiên tai, sóng thần, biến đổi khí hậu và dịch bệnh liên tục kéo dài trong thời gian gần đây đã gửi đến con người nhiều thông điệp sâu sắc, cần phải suy nghĩ trong việc gìn giữ, phục hồi và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Ở thế kỷ XXI, con người cần tập trung vào vấn đề “chữa lành” với thiên nhiên, “chữa lành”những tổn thương, những nỗi đau mà con người đã gây ra cho “Mẹ trái đất" trong quá trình khai phá tài nguyên vừa qua.
Tiến sỹ Nguyễn Thu Phong, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, mọi công trình kiến trúc đều được đặt trong một bối cảnh không gian cụ thể, giải quyết vấn đề cụ thể giữa con người với môi trường thiên nhiên xung quanh. Vì vậy các tư tưởng của kiến trúc sinh thái luôn xem sự đối thoại giữa công trình và thiên nhiên là tiêu chí hàng đầu để biểu đạt đánh giá hay xây dựng làm kim chỉ nam trước khi thiết kế.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thu Phong, xuất phát từ quan điểm về kiến trúc sinh thái và vai trò của kiến trúc sinh thái với con người và thiên nhiên, ông cùng các cộng sự Công ty kiến trúc Nhà Vui đã hình thành chuỗi công trình Hero House. Đặc điểm chung của các công trình Hero House là được đặt trong các Vườn quốc gia và liên kết chặt chẽ với công tác bảo vệ môi trường, chăm sóc, bảo vệ các loài động vật hoang dã với sự tham gia nhiệt tình của lực lượng tình nguyện viên, hầu hết là các bạn trẻ trên cả nước, được tập hợp liên kết bởi cộng đồng có tên gọi “Gia đình yêu thiên nhiên Việt Nam”.
Tại Tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận 2 nhóm vấn đề: Chữa lành với thiên nhiên là gì, vai trò của việc chữa lành với thiên nhiên trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia Vì một Việt Nam hạnh phúc; định hướng và giải pháp để chữa lành với thiên nhiên, dưới góc nhìn liên ngành... Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến tư duy đột phá trong khai thác tài nguyên du lịch Việt Nam; cách thức chữa lành với thiên nhiên; nâng cao chỉ số hạnh phúc quốc gia bằng khoa học lập trình ngôn ngữ tư duy./.
- Từ khóa:
- thiên nhiên
- khoa học liên ngành