Địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt thường xuyên, rộng rãi và cho mọi đối tượng, người dân
TTXVN - Chiều 4/3, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Tư Nghĩa tổ chức Tọa đàm về thực trạng và giải pháp triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.
Tại Tọa đàm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi Trần Thanh Trường cho rằng, việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp. Do đó, Ban Tổ chức mong muốn, thông qua Tọa đàm sẽ có những tham luận thiết thực, thực tiễn và chất lượng của các đơn vị, địa phương cùng với sự trao đổi, thảo luận của các đại biểu để đưa ra những kinh nghiệm, giải pháp, mô hình triển khai hay. Từ đó chọn lọc những giải pháp hay, phù hợp để nhân rộng trên từng địa phương.
Thanh toán không dùng tiền mặt hay còn gọi là thanh toán điện tử để hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại 4.0 và là xu hướng phát triển tất yếu của thế giới. Hiểu được những lợi ích của hoạt động này, ngoài việc ban hành các văn bản về chính sách, tỉnh còn tổ chức các khóa học trực tuyến về: Dịch vụ công trực tuyến trên chuyên trang Chuyển đổi số tỉnh; thanh toán không dùng tiền mặt và đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường số; tổ chức Cuộc thi video về tổ công nghệ số cộng đồng... Kết quả, sau 1 tháng triển khai đã thu hút hơn 1 triệu lượt người tham gia. Qua đó đã thúc đẩy và mang lại những kết quả nhất định. Năm 2023, toàn tỉnh thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia khoảng gần 101 tỷ đồng với hơn 86.560 giao dịch; 100% cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt ; 95,42% đối tượng bảo trợ xã hội đã có tài khoản (đạt 32,39% trên tổng số đối tượng bảo trợ xã hội)... Nhờ đó, trong tháng 11 và 12/2023, Quảng Ngãi liên tục dẫn đầu toàn quốc về thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Sau khi lắng nghe các tham luận và ý kiến thảo luận của các đại biểu, Ban Tổ chức thống nhất đề ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân địa phương như: Gia tăng các tính năng, tiện ích của dịch vụ; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, nhanh chóng, hiệu quả, chi phí thấp; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ quan, đơn vị, nơi thí điểm, trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế, cửa hàng, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại...
Tỉnh chú trọng thông tin tuyên truyền đến mọi người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: phóng sự, bản tin, tờ rơi, các nền tảng mạng xã hội... với nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, có tính lan tỏa trong cộng đồng. Địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt thường xuyên, rộng rãi và cho mọi đối tượng, người dân; phổ biến kiến thức về các hành vi lừa đảo, biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và một số giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cá nhân cho người dùng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt./.