Xã hội

Chưa xây dựng được cơ sở vật chất điểm cắt cơn nghiện ma tuý tại cộng đồng

Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng chưa thực hiện được, nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương thiếu nguồn kinh phí và chưa xây dựng được cơ sở vật chất điểm cắt cơn tại cộng đồng.

TTXVN- Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Cạn, tỷ lệ tái nghiện trên tổng số người có hồ sơ quản lý sau cai nghiện đang có mặt, quản lý sau cai tại địa phương trên địa bàn toàn tỉnh năm 2023 là 65,74%, giảm so với năm 2000, 2021 và tăng so với năm 2022.

Lao động giúp các học viên tăng cường sức khoẻ, ổn định tinh thần, sớm đoạn tuyệt với ma tuý. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Hai huyện có tỷ lệ tái nghiện tăng cao so với năm 2022, đó là Pác Nặm tăng 43,78%; Bạch Thông tăng 17,86%.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết, công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, tỉnh có duy nhất một cơ sở cai nghiện ma túy, quy mô tiếp nhận hằng năm được 150 học viên vào cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện, chưa đáp ứng được so với số người nghiện có nhu cầu cai nghiện ma túy trong cộng đồng. Mặt khác, diện tích đất cấp cho cơ sở rất hạn hẹp nên thiếu quỹ đất dành cho việc lao động trị liệu, tăng gia, chăn nuôi và hoạt động khác của học viên; cơ sở cũng không có kinh phí để dạy nghề hướng nghiệp cho học viên cai nghiện.

Trong khi đó, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng chưa thực hiện được; nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương thiếu nguồn kinh phí và chưa xây dựng được cơ sở vật chất điểm cắt cơn tại cộng đồng.

Cũng theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, công tác quản lý người sau cai nghiện, phòng ngừa tái nghiện ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chưa có các biện pháp quản lý hiệu quả dẫn đến người sau cai nghiện chưa có việc làm ổn định, dễ bị lôi kéo sử dụng và tái nghiện ma túy, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, người nghiện sau khi chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy trở về nơi cư trú thường không đến trình báo chính quyền địa phương, bỏ trốn khỏi nơi cư trú, gây khó khăn trong việc quản lý đối tượng sau cai nghiện ma túy. Công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm ma tuý và tạo điều kiện cho người nghiện sau cai tái hòa nhập cộng đồng còn thiếu linh hoạt, thiếu những mô hình để nhân rộng cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các học viên là thanh niên tham gia hoạt động chăm sóc cây giống. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Để khắc phục những những khó khăn này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiếp tục kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, hỗ trợ kinh phí cải tạo, nâng cấp, mở rộng diện tích cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh để tăng quy mô, khả năng tiếp nhận và điều trị người nghiện ma túy, bao gồm cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới về công tác cai nghiện trong tình hình mới hiện nay; hỗ trợ kinh phí dạy nghề, giải quyết việc làm cho học viên đang cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai tại địa phương.

Sở cũng kiến nghị với UBND tỉnh hằng năm quan tâm cấp thêm kinh phí để tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị UBND các huyện, thành phố; các sở, ban, ngành, đoàn thể thường xuyên quan tâm, phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng thể của hệ thống chính trị ở cơ sở và toàn xã hội tham gia vào công tác cai nghiện, quản lý người nghiện sau cai, phòng ngừa tái nghiện, như gần gũi động viên, thăm nắm tâm tư, nguyện vọng người hoàn thành thời gian cai nghiện trở về địa phương. Kịp thời đề ra các giải pháp thực hiện tốt công tác quản lý người sau cai nghiện, phòng ngừa tái nghiện; tích cực tư vấn giải quyết việc làm, hỗ trợ học nghề cho người sau cai nghiện. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm ma tuý và tạo điều kiện cho người nghiện sau cai tái hòa nhập cộng đồng./.

PV

Xem thêm