Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban Đối ngoại tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn thiện các thủ tục liên quan để chuẩn bị tốt nhất cho việc tổ chức Hội nghị dự kiến diễn ra vào tháng 9/2023.
TTXVN - Sáng 10/2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với Ủy ban Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Diễn đàn Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 (Hội nghị) do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội.
Tham dự có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn, đại diện các bộ, ngành hữu quan...
Báo cáo về công tác chuẩn bị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, Thường trực Ủy ban Đối ngoại đã họp trực tuyến với Ban Thư ký IPU để trao đổi về công tác tổ chức hội nghị, trong đó có thời gian, địa điểm, chủ đề, nội dung chính trong chương trình nghị sự và công tác hậu cần...
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nêu rõ, Ban Thư ký IPU đánh giá cao việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị này. Các cơ quan liên quan của Việt Nam cũng nhất trí cho rằng, việc Quốc hội nước ta đăng cai tổ chức Hội nghị trong năm nay là một sự kiện đối ngoại có tầm quan trọng và ý nghĩa lớn, thiết thực triển khai Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Năm 2023 cũng là năm sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 25 và là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện nhiệm vụ đối ngoại mới đặt ra trong nhiệm kỳ này là xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, trong đó, đối ngoại của Quốc hội có vai trò đặc biệt quan trọng.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tháng 12/2022, Tổng Thư ký IPU đã có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn nghị sĩ trẻ toàn cầu.
Đánh giá cao ý kiến của đại diện các cơ quan tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Hội nghị là sự kiện đối ngoại đa phương trọng tâm của Quốc hội nước ta trong năm 2023. Tiếp nối thành công của Đại hội đồng IPU-132, Đại hội đồng AIPA-41, Hội nghị là cơ hội để chúng ta tiếp tục thể hiện và quảng bá hình ảnh Việt Nam và Quốc hội Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban Đối ngoại tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn thiện các thủ tục liên quan để chuẩn bị tốt nhất cho việc tổ chức Hội nghị; nhất trí dự kiến tổ chức Hội nghị trong 3 ngày vào tháng 9/2023.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mục tiêu của Hội nghị là tăng cường vai trò của nghị sĩ trẻ và sự tham gia của thanh niên vào hoạt động nghị viện, đưa ra những khuyến nghị dưới góc nhìn của giới trẻ về các hoạt động cũng như nội dung nghị sự của IPU; xây dựng mạng lưới, đoàn kết và nâng cao năng lực, mở rộng cách tiếp cận của giới trẻ đối với các vấn đề cùng quan tâm.
Do đó, cùng với các nghị sĩ trẻ, Hội nghị cần nhấn mạnh vai trò và thu hút sự tham gia của giới trẻ. Điều này vừa phù hợp với mục tiêu của Hội nghị, vừa phát huy được thế mạnh đặc biệt của tổ chức Đoàn Thanh niên Việt Nam. Đây cũng là dịp để quảng bá phong trào thanh niên của Việt Nam, vai trò quan trọng của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tới bạn bè quốc tế.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí chủ đề của Hội nghị về phát triển bền vững; đồng thời gợi mở nên tập trung vào vai trò của nghị sĩ trẻ và giới trẻ đối với thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững, trọng tâm là các mục tiêu về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái số, phát huy giá trị văn hoá, con người... Đây là những vấn đề thời đại được giới trẻ rất quan tâm, đồng thời cũng thể hiện rõ vai trò của Quốc hội Việt Nam vì vừa qua Quốc hội đã ban hành các luật và hiện đang tiếp tục xem xét, sửa đổi, bổ sung một số luật, nghị quyết liên quan.
Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý có thể tổ chức triển lãm, giới thiệu các sản phẩm OCOP của Việt Nam bên lề Hội nghị, xem đây là một trong những điểm nhấn nhằm thu hút đông đảo các doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tới tham quan và có thể ký kết hợp tác.
Diễn đàn Nghị sĩ trẻ là cơ chế được thành lập trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) từ năm 2013. Diễn đàn do Hội đồng Nghị sĩ trẻ gồm 12 nghị sĩ trẻ của các quốc gia đại diện cho 6 nhóm địa chính trị trong IPU điều hành, mỗi nhóm địa chính trị có 1 thành viên nam và 1 thành viên nữ. Chủ tịch Hội đồng Nghị sĩ trẻ là thành viên của Ban Chấp hành IPU. Các thành viên Hội đồng Nghị sĩ trẻ được bầu 2 năm/lần. Chủ tịch đương nhiệm của Hội đồng Nghị sĩ trẻ là Ms.S. Albazar, Ai Cập. Châu Á-Thái Bình Dương có đại diện nghị sĩ trẻ của Ấn Độ và Thái Lan được bầu vào thành viên Hội đồng. Nhiệm kỳ gần nhất của Hội đồng sẽ kết thúc vào tháng 3/2023.
Diễn đàn Nghị sĩ trẻ của IPU được đại diện tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu, được IPU tổ chức thường niên kể từ năm 2014 sau khi Diễn đàn được thành lập. Hội nghị là một nền tảng quan trọng để trao quyền cho các nhà lãnh đạo trẻ./.