Giáo dục

Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Sẽ xem xét điều chỉnh dạy học tích hợp cấp Trung học Cơ sở

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc; điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Các giáo viên tham dự cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

TTXVN - Trong Chương trình “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục”, sáng 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã bày tỏ chia sẻ với những trăn trở và nguyện vọng của giáo viên trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định: Chúng ta cần phải kiên định ở con đường, mục tiêu đổi mới - những nhiệm vụ mang tính chiến lược của ngành.

*Gỡ khó cho đổi mới

Một trong những nội dung được nhiều giáo viên trao đổi, kiến nghị tại buổi gặp gỡ đó là những khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cô Hoàng Hải Vân, Trường Trung học Cơ sở Võ Thị Sáu, thành phố Nha Trang cho biết, qua 2 năm triển khai Chương trình ở cấp Trung học Cơ sở cho thấy, đây là điều kiện để giáo viên tìm tòi, phát huy các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp những khó khăn nhất định. Việc tích hợp các môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội còn bất cập khi giáo viên được đào tạo để dạy từng môn; giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp cũng chưa thực sự hiệu quả. Ngoài ra, việc thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa, học sinh chọn tổ hợp môn như hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn.

Là một giáo viên, đồng thời cũng là một phụ huynh,cô Vân cũng có những trăn trở như: Việc chuyển trường của học sinh gặp khó khăn; thi học sinh giỏi các cấp sẽ như thế nào; phương án thi, xét tốt nghiệp, tuyển sinh trong những năm tới sẽ ra sao?

Đại diện cho các thầy cô giáo tỉnh Lạng Sơn, cô Hoàng Thị Thu Hương, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Hòa Bình, huyện Văn Quan nêu ý kiến: Từ năm học 2023-2024, các địa phương bắt đầu tổ chức thi học sinh giỏi lớp 8, lớp 9 các cấp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có một số môn tích hợp như Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lí là các môn học mới. Vậy việc xếp môn thi theo bài thi đơn lẻ như môn học cũ (Vật lý, Hoá học, Sinh học; Lịch sử, Địa lý) hay thi theo nội dung của môn học tích hợp. Trong khi đó, cấp Trung học Phổ thông không có các môn học tích hợp này.

Cô Nguyễn Thị Duyên, Trường Tiểu học Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) lo lắng về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ Chương trình còn thiếu nhiều, việc trang bị cho từng khối lớp còn hạn chế, chưa đồng bộ, một số phòng học chưa được trang bị đầy đủ máy tính, màn hình, máy chiếu, trang thiết bị dạy học. Để nâng cao chất lượng dạy học, thực hiện có chất lượng việc đổi mới phương pháp dạy học, cần có giải pháp, chính sách hỗ trợ địa phương để các nhà trường được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay.

Đề cập đến định mức giáo viên/lớp, thầy Nguyễn Bá Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ: Hiện nay, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường tiểu học cơ bản tổ chức dạy 2 buổi/ngày để đáp ứng tổ chức một số môn học bắt buộc mới như Ngoại ngữ, Tin học, hoạt động trải nghiệm và các môn học tự chọn. Vì vậy, định mức 1,5 giáo viên/lớp theo quy định đối với trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày là còn thấp. Mặt khác tại Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định rất nhiều các nhiệm vụ kiêm nhiệm được giảm trừ tiết dạy, như: Giáo viên làm công tác chủ nhiệm, tổ khối trưởng, Bí thư đoàn… nên với định mức trên sẽ thiếu người làm việc.

Từ thực tế này, thầy Nguyễn Bá Dũng đề xuất một số giải pháp tháo gỡ, cụ thể: Thay thế quy định giảm định mức tiết dạy tại Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT, Thông tư số 15/2017 sửa đổi bổ sung một số nội dung tại Thông tư 28 về việc quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông bằng quy định hệ số phụ cấp đối với giáo viên thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm.

Trong trường hợp nếu giữ nguyên quy định giảm định mức tiết dạy thì Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh định mức số lượng người làm việc được quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Theo đó, thầy Dũng đề xuất đối với cấp Tiểu học, cơ sở thực hiện dạy học 2 buổi/ngày bố trí định mức giáo viên là 1,7 giáo viên/lớp để đảm bảo đủ số người làm việc.

Bày tỏ băn khoăn về việc có quá nhiều cuộc thi được tổ chức trong trường học, cô Trần Thị Phương Thảo, Trường Trung học Cơ sở Lê Anh Xuân, (quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Để các cuộc thi tổ chức hiệu quả, cần rà soát, sắp xếp lại, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, chi tiết, thời gian, thời lượng cuộc thi phù hợp giúp giáo viên, học sinh ở từng bậc có khả năng đầu tư tham gia mà không ảnh hưởng đến chuyên môn của giáo viên và thời gian học tập của các em.

Trăn trở với bạo lực học đường, cô Bùi Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Trung An (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) chia sẻ: Bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở học sinh nam, mà còn giữa học sinh nữ, giữa giáo viên với học sinh hay học sinh với giáo viên, thậm chí là phụ huynh với giáo viên. Vì vậy, ngành Giáo dục cần quan tâm hơn nữa và có giải pháp cải thiện.

Cùng quan tâm vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đề xuất, ngoài bổ sung biên chế nhân viên tâm lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập huấn các khóa giá trị sống, kỹ năng sống cho giáo viên; tập huấn về tâm lý học cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trên cả nước. Từ đó, giúp giải quyết được các vấn đề về tâm lý trong các nhà trường. Thậm chí, nên đưa vào chương trình đào tạo của các trường đào tạo ngành Sư phạm. Điều này sẽ giúp các trường có cách tiếp cận mới về tâm lý giáo dục. Đây là cơ sở để thực hiện tốt Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

*Điều chỉnh dạy học tích hợp nhưng không gây xáo trộn

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi về những đề xuất, kiến nghị của giáo viên. (Ảnh: nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những khó khăn mà giáo viên, cơ sở giáo dục đang gặp phải khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có dạy học tích hợp, liên môn ở cấp Trung học Cơ sở.

Theo Bộ trưởng, đây là điểm mới trong Chương trình. Khi thiết kế, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp Trung học Cơ sở. Song, Bộ trưởng cho rằng, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc; điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Để triển khai Chương trình mới, giáo viên và cơ sở vật chất là hai nhân tố quan trọng. Nhiều địa phương thực hiện tốt việc này, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học. Tuy nhiên, do các điều kiện khác nhau, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong xây dựng kiên cố hóa trường học. Việc giải ngân mua sắm thiết bị dạy học còn gặp khó. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong rằng, lãnh đạo các địa phương quan tâm ráo riết hơn nữa để có thể cải thiện cơ sở vật chất trường lớp.

Bộ trưởng đề nghị, các cơ sở giáo dục, trường học khai thác thật tốt những thiết bị đã có và đang có để phục việc dạy - học của thầy – trò, nhất là với những giờ thực hành; không để thiết bị trong kho mà không được ra đến lớp.

Trao đổi về phương án tổ chức thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025, Bộ trưởng cho hay, dự kiến quý 4/2023, phương án thi sẽ được công bố.

Trước ý kiến về việc hiện đang có quá nhiều cuộc thi trong nhà trường, Bộ trưởng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 5814 từ năm 2017, nêu rõ danh mục các cuộc thi trong nhà trường. Còn lại, nhiều cuộc thi do các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức, lãnh đạo nhà trường cần có sự lựa chọn phù hợp, làm sao tránh tổ chức quá nhiều, chồng chéo, hình thức, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của giáo viên, học sinh.

Liên quan đến vấn nạn bạo lực học đường, Bộ trưởng nhìn nhận, đây là vấn đề nhức nhối cần được chặn tận gốc. Đáng nói, thời gian qua, số nữ sinh tham gia vào bạo lực có xu hướng tăng. Bộ đã giao các Vụ, Cục chức năng tìm hiểu, nghiên cứu để đưa ra giải pháp. Trước tiên, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm nếu để xảy ra bạo lực học đường ở đơn vị mình.

Trong nhiều giải pháp tổng thể, Bộ trưởng nhấn mạnh đến giải pháp phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Ngoài ra, cần trang bị cho học sinh kỹ năng tự xử lý với những vấn đề mình phải đối mặt. Cùng với đó, trang bị cho các em về thái độ đúng đắn khi tham gia mạng xã hội; đẩy mạnh tư vấn tâm lý học đường, nâng cao vai trò và kỹ năng xử lý vấn đề của giáo viên chủ nhiệm.

Năm học tới, ngành Giáo dục cũng triển khai thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao là xây dựng Luật Nhà giáo. Đây là Luật mới, khó, nhiều thách thức, nhưng nếu làm được và được Quốc hội thông qua, ngành Giáo dục sẽ có căn cứ pháp luật quan trọng giải quyết được nhiều vấn đề có tính căn cơ, nâng cao đời sống, phát triển đội ngũ… Với Luật này, Bộ trưởng mong hội tụ được trí tuệ tập thể của hơn 1 triệu nhà giáo trên cả nước./.

Việt Hà

Tin liên quan

Xem thêm