Trong 7 ngày công tác tại châu Âu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có hơn 60 hoạt động song phương, đa phương và cộng đồng.
(TTXVN) Theo đặc phái viên TTXVN, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới châu Âu dự Hội nghị cấp cao Kỷ niệm 45 năm quan hệ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Liên minh châu Âu (EU) và thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan, Vương quốc Bỉ từ ngày 9-15/12, đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện.
Ở châu Âu mùa này thời tiết luôn ở nhiệt độ âm và đang là mùa Noel, song với hoạt động dày đặc của Thủ tướng Chính phủ, ít ai trong đoàn công tác còn thời gian để cảm nhận không khí Giáng sinh hay ngắm nhìn những bông tuyết rơi. Ngược lại, mùa Đông châu Âu như bớt lạnh bởi không khí nhộn nhịp và quan hệ nồng ấm giữa các bên.
Trong 7 ngày công tác tại châu Âu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có hơn 60 hoạt động song phương, đa phương và cộng đồng. Trong đó, ngoài các cuộc hội đàm, hội kiến với hầu hết lãnh đạo 3 nước mà Thủ tướng thăm chính thức, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-EU, Thủ tướng có 14 cuộc gặp với lãnh đạo EU, lãnh đạo các nước ASEAN và các nước EU. Cùng với đó, Thủ tướng dự các diễn đàn, hội nghị đầu tư, kinh doanh; tiếp hàng chục doanh nghiệp hàng đầu châu Âu. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian để gặp gỡ, chia sẻ với cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu.
Vì hòa bình, ổn định, phát triển trên thế giới và vì lợi ích quốc gia dân tộc
Tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thể hiện tinh thần chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN cũng như đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh khu vực và thể giới đang đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, thách thức khó lường như hiện nay.
Cùng với tham dự các hội nghị đa phương, Thủ tướng Chính phủ có hoạt động song phương dày đặc, trong đó có các cuộc gặp song phương với nhiều lãnh đạo các nước ASEAN và EU gồm: Thủ tướng Lào, Thủ tướng Campuchia, Tổng thống Romania, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Tây Ban Nha, Thủ tướng Bồ Đào Nha, Thủ tướng Hy Lạp, Thủ tướng Séc, Thủ tướng Ba Lan, Thủ tướng Italy, Thủ tướng Croatia, Tổng thống Litva. Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo duy nhất của ASEAN dự hội nghị mà cả Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đều gặp để trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm.
Tại các hội nghị, diễn đàn hay tại các cuộc gặp song phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều chuyển đi thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam chủ động, tích cực, cùng các nước thành viên củng cố vai trò của ASEAN, phát huy trách nhiệm, tiếng nói của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và phát triển; đóng góp tích cực vào vun đắp, thúc đẩy quan hệ ASEAN-EU.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm của Việt Nam về các vấn đề, các thách thức mang tính toàn cầu như cạnh tranh chiến lược, an ninh truyền thống và phi truyền thống, biến đổi khí hậu, môi trường... Thủ tướng khẳng định đây là những vấn đề toàn cầu, cần có cách tiếp cận và giải pháp toàn cầu theo hướng tăng cường đoàn kết giữa các quốc gia, đề cao chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế. Trong đó, cần tăng cường đối thoại, tham vấn, góp phần nâng cao hiểu biết, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, cùng chia sẻ các giá trị, nguyên tắc và lợi ích chung.
Khẳng định quan điểm của Việt Nam đối với các vấn đề liên quan, vì lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân Việt Nam, Thủ tướng nhiều lần nhắc tới phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi và đồng hành để các doanh nghiệp EU đầu tư, kinh doanh hiệu quả, lâu dài, bền vững tại Việt Nam. Thủ tướng kêu gọi các nước EU hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và EU có nhu cầu, từng bước tạo cân bằng và hợp tác lâu dài, cùng có lợi về đầu tư và thương mại.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo các nước đều nhất trí tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Thủ tướng cũng đề nghị phía EU xem xét sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thuỷ sản của Việt Nam; mong các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); đề nghị hợp tác với Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững.
Thủ tướng đề nghị EU tiếp tục hỗ trợ tối đa cho Việt Nam trong đàm phán và tiến tới thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Nhóm G7 với Việt Nam, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích, công bằng trong quá trình chuyển đổi. Liên quan nội dung này, ngay trong chuyến công tác của Thủ tướng, Việt Nam và Nhóm đối tác Quốc tế (IPG) bao gồm EU, Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã ký kết thỏa thuận JETP, trong đó, công bố thỏa thuận quốc tế huy động 15,5 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch năng lượng.
Đặc biệt, về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng quốc tế, EU và các nước thành viên thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), ủng hộ nỗ lực sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, công bằng và hợp lý với tất cả các bên có liên quan, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ cũng phát đi thông điệp về một Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, sẵn sàng phối hợp cùng các nước xây dựng môi trường khu vực hòa bình, ổn định và đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương, đồng thời tranh thủ hiệu quả nguồn lực quan trọng từ EU và các nước thành viên trong công cuộc phục hồi và phát triển bền vững kinh tế-xã hội Việt Nam sau đại dịch COVID-19.
Những người bạn lâu năm
Trong chuyến công tác tới châu Âu lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan, Bỉ. Tại các nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ của 3 nước; đồng thời hội kiến với lãnh đạo khác của các nước. Tại các chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ đều được đón tiếp nồng hậu, chân tình, vượt qua lễ nghi ngoại giao thông thường.
Đơn cử khi thăm Đại Công quốc Luxembourg, đích thân Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel đã hướng dẫn, giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm bảo tàng thành phố Luxembourg; thăm thành cổ Luxembourg. Hai Thủ tướng cùng dạo phố, cùng thưởng thức món ngon của Luxembourg.
Khi hội kiến với Đại Công tước Luxembourg Henri, hai nhà lãnh đạo vui mừng như những người bạn lâu năm gặp lại. Chính Đại Công tước Henri cũng thừa nhận hiếm có cuộc hội kiến giữa ông với lãnh đạo một quốc gia nào mà ông hào hứng, có thời gian hội kiến dài và nhiều nội dung như hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Sau gần 50 năm quan hệ hợp tác với 3 nước, vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được khẳng định. Nếu như trước đây, các nước quan hệ với Việt Nam chủ yếu là ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam; còn ngày nay là đối tác hợp tác cùng phát triển.
Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo 3 nước đều nhất trí tăng cường, củng cố quan hệ, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực thế mạnh của mỗi nước, phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam như công nghệ dược phẩm, logistics (với Luxembourg), kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo (với Hà Lan), kinh tế biển, nông nghiệp sinh thái (với Bỉ); khuyến khích 3 nước đầu tư vào hạ tầng chiến lược của Việt Nam như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, logistics, cảng biển và hỗ trợ chống biến đổi khí hậu... Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã vận động các nước tiếp tục có quan điểm mạnh mẽ ủng hộ lập trường của Việt Nam về Biển Đông và đều nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo các nước.
Cụ thể hóa chủ trương tăng cường hợp tác, trong chuyến công tác đã có gần 30 văn kiện hợp tác được ký kết giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp các nước về nhiều lĩnh vực hợp tác như phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp, giáo dục, đào tạo...
Chuyến thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan, Bỉ của Thủ tướng Phạm Minh Chính góp phần củng cố, tăng cường, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện với Hà Lan, Đối tác chiến lược về nông nghiệp với Bỉ, quan hệ hữu nghị và hợp tác với Luxembourg, nhất là trong bối cảnh năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và 3 nước.
Kiều bào là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam
Một trong những quan tâm hàng đầu mỗi khi công tác nước ngoài của Thủ tướng là đời sống của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo 3 nước Luxembourg, Hà Lan, Bỉ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều đề nghị phía bạn tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ở sở tại, để bà con hội nhập thành công và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội nước sở tại và là cầu nối quan trọng trong quan hệ hữu nghị Việt Nam với các nước.
Mặc dù có chương trình hoạt động dày đặc, song như thường lệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dành thời gian để gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở các nước, cho dù ở đó cộng đồng người Việt chỉ có ít như khoảng 600 người ở Luxembourg hay nhiều hơn như ở Hà Lan với 25.000 người, Thủ tướng đều đem đến với bà con tình cảm ấm áp từ quê nhà.
Tại các cuộc gặp gỡ, Thủ tướng luôn khẳng định Đảng, Nhà nước không có mục tiêu nào khác là giữ độc lập, tự do của Tổ quốc; lo cho người dân được tự do, ấm no, hạnh phúc, trong đó có đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, vì người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Các cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại các nước thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đối với kiều bào, góp phần phát huy khối đại đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc, đóng góp vào công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong nước.
Có thể khẳng định chuyến tham dự hội nghị cấp cao đa phương và thăm chính thức 3 nước Luxembourg, Hà Lan, Bỉ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là hoạt động thiết thực, hiệu quả triển khai đường lối đối ngoại Đảng, nhất là về "tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”, “đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, về “ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030”, cũng như về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới./.