Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã triển khai ứng dụng phần mềm “Trợ lý ảo” hỗ trợ thẩm phán trong công tác xét xử, đây được đánh giá là một bước đột phá trong chuyển đổi số của hệ thống Tòa án.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đang mở ra nhiều cơ hội nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới. Tại Bắc Ninh, thời gian qua, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành và thụ lý, giải quyết các vụ án, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tòa án, củng cố niềm tin của người dân vào công lý.
* Phát huy hiệu quả công nghệ số
Thời gian qua, áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã triển khai ứng dụng phần mềm “Trợ lý ảo” hỗ trợ thẩm phán trong công tác xét xử. Đây được đánh giá là một bước đột phá trong chuyển đổi số của hệ thống Tòa án.
Thẩm phán Vương Thị Hà, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, thanh tra và thi đua khen thưởng, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh cho biết, “Trợ lý ảo” là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các thẩm phán, công chức tòa án trong công tác quản lý nghiệp vụ, giải quyết các vụ án… Với chị Hà, sau hơn hai năm sử dụng, phần mềm “Trợ lý ảo” đã trở thành công cụ đắc lực, bên cạnh mọi lúc, mọi nơi, sẵn sàng hỗ trợ và giúp chị kết nối, giao lưu, học hỏi trực tuyến với các đồng nghiệp trong toàn quốc trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ.
Thẩm phán Vương Thị Hà chia sẻ, trước đây, khi chưa sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” để mã hóa một bản án khoảng 20 trang giấy, chị phải nhờ thư ký thực hiện hộ, thường mất cả tiếng đồng hồ mới xong. Các công việc như đọc soát và tải bản án lên mạng nay đã được tự động hóa, giúp việc đăng tải bản án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án rất nhanh chóng, thuận lợi.
“Phần mềm “Trợ lý ảo” được các thẩm phán và công chức ngành tòa án tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao và thường xuyên tra cứu, tham khảo bởi đây là một công cụ hỗ trợ hữu ích mà không làm ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán khi giải quyết, xét xử các vụ án. Phần mềm chứa đựng các dữ liệu về văn bản pháp luật, án lệ, các bản án và các tình huống pháp lý thực tiễn diễn ra trong quá trình xét xử, trong khi đó mỗi vụ án đều có những tình tiết riêng, nên từ những dữ liệu “Trợ lý ảo” đưa ra, khi giải quyết, xét xử các vụ án, thẩm phán trên cơ sở tuân theo các quy định của pháp luật, lựa chọn áp dụng những quy định phù hợp với các tình tiết, chứng cứ khách quan của vụ án để đưa ra phán quyết cuối cùng”, chị Vương Thị Hà nói.
Không chỉ hỗ trợ ngành Tòa án, việc số hóa giúp người dân dễ dàng tiếp cận được với các thông tin từ Tòa án mà không phải đi lại nhiều lần, có thể thuận tiện làm các thủ tục mà trước đây phải đến trụ sở tòa án mới làm được. Bà Nguyễn Thị Kiên, xã Đào Viên, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, trước đây mỗi khi có nhu cầu trích sao bản án, bà phải tới tận tòa án để làm thủ tục với nhiều lần đi lại. Giờ đây, với dịch vụ cấp sao bản án trực tuyến của tòa án, bà chỉ cần ngồi ở nhà và thực hiện thao tác xin cấp sao trực tuyến. Khi được phê duyệt, bà có thể tới nhận hoặc được gửi kết quả đến tận nhà khi có nhu cầu.
Bên cạnh công tác chuyên môn, mọi hoạt động, nhiệm vụ của ngành Tòa án đều được thực hiện trên môi trường điện tử. Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Ninh cũng đẩy mạnh ứng dụng số trong quản lý văn bản, điều hành, tiến hành số hóa hồ sơ vụ án, công bố các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. Việc thực hiện số hóa hồ sơ góp phần giảm tải công tác in ấn. Mặt khác, việc chuyển hóa các chứng cứ điện tử thành giấy tờ, giúp tiết kiệm chi phí cũng như thuận lợi cho việc lưu trữ mà không làm giảm về mặt vật lý, hóa học của tài liệu gốc theo thời gian. Ngoài ra, việc số hóa hồ sơ, vụ án sẽ góp phần quan trọng vào việc tích hợp thông tin, dữ liệu vào cổng dịch vụ công quốc gia và giúp việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thuận lợi hơn.
* Đi đầu trong xét xử trực tuyến
Tòa án hai cấp tỉnh Bắc Ninh là một trong những đơn vị dẫn đầu trong hệ thống Tòa án về xét xử trực tuyến, được Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đánh giá cao và được các đơn vị bạn học tập.
Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội và Chỉ thị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, từ năm 2021, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã lập phương án tổ chức phiên tòa trực tuyến trên cơ sở những trang thiết bị hiện có từ hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến do Tòa án nhân dân tối cao đầu tư xây dựng năm 2016. Ngày 23/5/2022, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa xét xử công khai theo hình thức trực tuyến đầu tiên. Điểm cầu trung tâm là tại Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, có sự tham gia của những người tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật. Bị cáo tham gia phiên tòa tại điểm cầu thành phần là Trại tạm giam Công an tỉnh.
Theo Thẩm phán Nguyễn Văn Hòa, Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, sau hơn 2 năm triển khai xét xử trực tuyến, đến nay, Tòa án nhân dân tỉnh đã được đầu tư, trang bị hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tổ chức phiên tòa trực tuyến tại các điểm cầu Tòa án nhân dân hai cấp, Trại tạm giam Công an tỉnh. Cơ sở vật chất phòng xét xử, đường truyền mạng, âm thanh, hình ảnh tại các điểm đầu đáp ứng tốt yêu cầu xét xử thuận tiện, đúng quy định của pháp luật.
Mô hình phiên tòa trực tuyến cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng. Thẩm phán Nguyễn Văn Hòa chia sẻ, việc xét xử trực tuyến đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận công lý, đồng thời bảo đảm cho các hoạt động xét xử được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Hình thức xét xử trực tuyến đã góp phần giảm thiểu chi phí, thời gian của người dân cũng như ngân sách nhà nước, nhất là với các vụ án bị cáo, bị can đang bị tạm giam, chỉ cần đưa họ ra phòng xét xử trực tuyến của trại tạm giam thay vì dẫn giải đến phiên tòa, điều này không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí mà công tác bảo đảm an toàn cũng tốt hơn.
Theo Thẩm phán Trung cấp Đỗ Văn Đại, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử được ngành Tòa án tỉnh xác định là nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm, nhằm cung cấp dịch vụ tư pháp công theo hướng hiện đại, thuận lợi, tiết kiệm và công khai, minh bạch. Từ ngày 1/5/2022 đến 30/6/2024, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức xét xử trực tuyến hơn 1.000 vụ án; riêng từ đầu năm 2024 đến nay đã tổ chức xét xử được hơn 460 vụ án. Ngoài việc tổ chức xét xử trực tuyến, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Ninh cũng tổ chức tốt và tích cực tham gia các phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm với 27 đơn vị tòa án khác. 100% các phiên tòa đều được lập kế hoạch chi tiết trước và trong và sau khi xét xử, đảm bảo chất lượng xét xử. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng giao chỉ tiêu mỗi Thẩm phán xét xử ít nhất 5 phiên tòa trực tuyến và khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác xét xử trực tuyến.
Trong thời gian tới, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tái cấu trúc và đổi mới mô hình hoạt động từ truyền thống sang nền tảng số; chuyển sang sử dụng hoàn toàn sổ điện tử trên phần mềm nội bộ của tòa án; quản lý việc thụ lý, giải quyết các loại vụ việc trên phần mềm quản lý nghiệp vụ của Toà án nhân dân; phấn đấu 100% văn bản được quản lý, xử lý, ký và phát hành trên nền tảng số. Đồng thời, ngành Tòa án tỉnh tiếp tục khai thác, sử dụng triệt để nền tảng xét xử trực tuyến, phần mềm "Trợ lý ảo" nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn; đầu tư hoàn thiện toàn diện, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật số và bổ sung trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu xây dựng tòa án điện tử; nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng cho cán bộ tòa án đáp ứng nhiệm vụ chuyển đổi số./.
- Từ khóa:
- Chuyển đổi số
- nâng cao
- chất lượng
- Tòa án