Khoa học

Hướng tới mục tiêu và cam kết phát thải ròng bằng 0

Các nghiên cứu cấp quốc gia sẽ phát triển những công nghệ giảm phát thải khí nhà kính và thu giữ carbon ảnh hưởng tới 5 lĩnh vực: nông-lâm nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng và các quá trình công nghiệp, xây dựng, xử lý chất thải.

Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. 
Ảnh: TTXVN phát

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết, khung Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam vào năm 2050” quan trọng và có ý nghĩa trong hành trình hướng tới một tương lai bền vững theo đúng cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Chương trình ra đời với mục tiêu cung cấp các luận cứ khoa học, giải pháp kỹ thuật, mô hình công nghệ cụ thể nhằm giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi, cải thiện công nghệ và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đa lĩnh vực, thúc đẩy phát triển bền vững toàn diện phục vụ kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu và cam kết phát thải ròng bằng 0.

Trong số các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam vào năm 2050” được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều giải pháp hữu hiệu và có giá trị thực tiễn cao cho một quốc gia đang trên lộ trình giảm phát thải như Việt Nam. Phạm vi ảnh hưởng của Net-zero rộng khắp các lĩnh vực kinh tế xã hội, vì vậy, các nghiên cứu cấp quốc gia của chương trình sẽ xoay quanh việc phát triển những công nghệ giảm phát thải khí nhà kính và thu giữ carbon ảnh hưởng tới 5 lĩnh vực: Nông-lâm nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng và các quá trình công nghiệp, xây dựng, xử lý chất thải.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường, Chủ nhiệm chương trình, nội dung được xây dựng trong khung chương trình nhằm nghiên cứu nâng cao hiệu quả cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững, hướng mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Các nghiên cứu hướng tới mục tiêu cung cấp luận cứ khoa học, giải pháp kỹ thuật, mô hình công nghệ nhằm giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi carbon, chuyển đổi, cải thiện công nghệ. Việc tuyển chọn công trình khoa học cũng hướng tới ứng dụng và phát triển giải pháp công nghệ tiên tiến giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong ngành, lĩnh vực như: Giao thông bền vững, nông lâm nghiệp thông minh hay quản lý, tái chế chất thải, các công nghệ lưu giữ, sử dụng và thu hồi carbon từ khí thải công nghiệp, qua đó tính toán phát thải, dự báo biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các sản phẩm nghiên cứu là công nghệ thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ phát thải carbon thấp và xu hướng thân thiện môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; trong đó 80% công nghệ, giải pháp quản lý cần đóng góp giảm thiểu ít nhất 30% lượng khí nhà kính so với mức phát thải cơ sở trong lĩnh vực hoặc đạt chất lượng tương đương các nước khu vực, thế giới.

Nêu cụ thể hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, cần cơ chế cụ thể trong cách tính tín chỉ carbon như phương pháp tính với thị trường carbon trong nước và quốc tế. Ở lĩnh vực thủy sản hiện nay, kết quả phát thải chưa được tính trong kiểm kê khí nhà kính, vì vậy, cần có phương pháp đánh giá tiêu chí, lựa chọn ra mô hình công nghệ ưu tiên hay nghiên cứu đánh giá về giá thành phát thải. Bên cạnh đó, với ứng dụng kỹ thuật hướng canh tác nông nghiệp bền vững, tuần hoàn cần bổ sung nghiên cứu giống phát thải thấp như giống lúa phát thải thấp, hay vi sinh vật có lợi cải thiện chất lượng đất, giảm sử dụng phân bón.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh cho biết thêm, theo khung sơ bộ, ít nhất 50% số nhiệm vụ sẽ phải có kết quả "được ứng dụng”, trong đó 20% số nhiệm vụ sẽ phải có kết quả "có khả năng thương mại hóa”. Đồng thời, ít nhất 50% số nhiệm vụ có nộp đơn đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích... Cũng như nhiều chương trình khoa học và công nghệ quốc gia khác, mục tiêu cuối cùng của Net-zero là hướng đến các giải pháp hữu dụng trong thực tiễn./.

PV

Xem thêm