Khoa học

Cục An toàn bức xạ hạt nhân: Hành trình 30 năm

Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã trở thành cơ quan pháp quy hạt nhân ngang tầm khu vực, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử về an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân, quan trắc phóng xạ môi trường và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.

 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi lễ.
Ảnh: TTXVN phát

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định: Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân – tiền thân là Ban An toàn bức xạ và hạt nhân đã ngày càng trưởng thành, thực hiện tốt vai trò là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân trong phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử. Các văn bản quy phạm pháp luật do Cục được giao chủ trì xây dựng, trình ban hành đã tương đối đầy đủ và ngày càng hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Công tác cấp giấy phép, giấy đăng ký, chứng chỉ đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn, an ninh cho các cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử trong việc quản lý các nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân, vật liệu hạt nhân.

Ngày 30/7, tại Hà Nội, Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập. Ngày 30/7/1994, Quyết định số 389/TTg về việc thành lập Ban An toàn bức xạ và hạt nhân đã đánh dấu cột mốc lịch sử hình thành và phát triển Cục An toàn bức xạ và hạt nhân hiện nay. Đây là quyết định quan trọng đối với ngành năng lượng nguyên tử khi lần đầu tiên cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân được thành lập.

Quang cảnh buổi lễ.
Ảnh: TTXVN phát

Nhận thức quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân là một trong những công tác trọng tâm của Bộ, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ luôn quan tâm chỉ đạo, tạo thuận lợi để Cục hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, tổ chức và thực hiện hoạt động quản lý. Việc Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn bức xạ và hạt nhân đã giúp cho các cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và các đơn vị dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử khắc phục những thiếu sót, vi phạm, thực hiện tốt việc bảo đảm an toàn, an ninh và ứng phó sự cố. Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân còn hướng dẫn nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với Thanh tra các Sở Khoa học và Công nghệ trong công tác thanh tra chuyên ngành an toàn bức xạ và hạt nhân.

Ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân nhấn mạnh: Với hệ thống quản lý nhà nước và nguồn lực ngày càng hoàn thiện, các cơ sở tiến hành công việc bức xạ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử cùng với các loại hình thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân, vật liệu hạt nhân và nguồn phóng xạ đã được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn, an ninh thông qua việc cấp giấy phép, giấy đăng ký và cơ sở dữ liệu thống nhất. Hiện nay 100% thủ tục hành chính về cấp phép của Cục đã đáp ứng yêu cầu trực tuyến. Đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn bức xạ hạt nhân, trung bình hàng năm Cục tiến hành khoảng 70 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và các đơn vị thực hiện hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã trở thành cơ quan pháp quy hạt nhân ngang tầm khu vực, giúp Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử về an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân, quan trắc phóng xạ môi trường và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, đồng thời là cơ quan đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện các cam kết, nghĩa vụ tại các điều ước quốc tế về năng lượng nguyên tử mà Việt Nam là thành viên như Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, Hiệp định Thanh sát hạt nhân, Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân, Công ước An toàn hạt nhân, Công ước chung về quản lý chất thải phóng xạ.

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cũng khai mạc Hội nghị pháp quy hạt nhân lần thứ 6 – Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân giai đoạn 2022-2024, đề xuất các giải pháp, kiến nghị và định hướng trong thời gian tới. Hội nghị tập trung vào các nội dung: Công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn bức xạ, hạt nhân; An ninh hạt nhân; Phóng xạ môi trường; Ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân.../.

PV

Tin liên quan

Xem thêm