Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp bán dẫn nên sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong thời gian tới.
Chiều 29/7, trong khuôn khổ Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội 2024 đã diễn ra Hội nghị kết nối đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn Thành phố. Sự kiện do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức.
Thành phố Hà Nội - Thủ đô của cả nước, với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. Ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội khẳng định: Là “huyết mạch” của nền kinh tế số, công nghệ bán dẫn là công nghệ nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện nay. Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu... đến tìm hiểu và đầu tư. Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 ngày 28/6/2024 xác định bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô Hà Nội.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã thu hút 1,165 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và được nhận định là “bến đỗ” hấp dẫn đối với dòng vốn và các nhà đầu tư quốc tế. Để giữ vị trí hàng đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài, Hà Nội không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tích cực rà soát các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, Hà Nội ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, đối thoại doanh nghiệp, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thành phố.
Theo phân tích của ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp bán dẫn. Địa phương ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Thời gian tới, mục tiêu của Hà Nội là trở thành trung tâm đầu mối, dẫn dắt nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, có sự gắn kết với hệ thống đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đồng thời, đây cũng là trung tâm thiết kế và cung ứng sản phẩm bán dẫn và trí tuệ nhân tạo hàng đầu của cả nước, ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực, trong đó ưu tiên cho công nghệ bán dẫn.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Hà Nội phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đồng thời, thành phố Hà Nội triển khai các ưu đãi đầu tư đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn tại Thủ đô. Cụ thể các nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, được áp dụng mức thuế suất ưu đãi với thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân, miễn một số tiêu chí đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu khi tham gia đấu thầu các gói thầu của thành phố.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) chia sẻ, Hà Nội cần tận dụng mọi cơ hội, khai thác mọi tiềm năng để có tên trên bản đồ công nghệ bán dẫn khu vực và thế giới. Để trở thành một trong những trung tâm bán dẫn lớn của Việt Nam và khu vực, điều quan trọng nhất là Hà Nội cần xây dựng được cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, sản xuất chip bán dẫn, nguồn nhân lực bán dẫn. Hà Nội cần dành nguồn lực hợp lý để tạo bệ phóng cho ngành bán dẫn; xây dựng các chương trình hợp tác quốc tế để tìm kiếm được đối tác dài hạn đồng hành trong lĩnh vực bán dẫn. Cuối cùng, Hà Nội cần đồng hành với các doanh nghiệp để xây dựng thị trường đầu ra cho chip bán dẫn của Việt Nam.
Ngày hội Kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội diễn ra trong 3 ngày (từ 29 - 31/7) với 1 hội nghị, 3 tọa đàm chuyên đề, hội thảo và triển lãm công nghệ bán dẫn trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp có cơ hội gặp mặt các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong ngành công nghệ bán dẫn và đầu tư, kinh doanh các sản phẩm thuộc hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước./.