Chỉ số đổi mới sáng tạo lần đầu được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố vào ngày 12/3/2024, cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
Với 49,66 điểm Cần Thơ thuộc 5 địa phương đạt chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2023 cao nhất nước. Từ kết quả năm 2023, các chuyên gia nhận định: Cần Thơ là địa phương có 4/7 trụ cột vượt trội và dẫn đầu vùng (tính năng động của chính quyền địa phương, quản trị môi trường, cơ sở hạ tầng cơ bản,...).
Đây là những thông tin tại hội thảo khoa học “PII - Định vị đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ và hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Sự kiện do UBND thành phố Cần Thơ phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chiều 18/7.
Tại hội thảo, chuyên gia thảo luận một số nhận định về chỉ số có điểm số cao cũng như đánh giá chỉ số còn thấp, chỉ số tiềm năng cũng như các giải pháp cụ thể để cải thiện và nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo của Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhận định trình độ phát triển doanh nghiệp tại Cần Thơ còn thấp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) đề xuất chính quyền tăng ngân sách chi cho khoa học và công nghệ nghiên cứu và phát triển. Đây là yếu tố cần thiết và cấp bách để thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Cần Thơ. Điều này không chỉ giúp phát triển khoa học và công nghệ mà còn đảm bảo sự phát triển toàn diện của kinh tế-xã hội trong khu vực.
"Cần Thơ cũng cần quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tư vào đào tạo nhân viên. Chính quyền địa phương tăng cường hợp tác với các tổ chức giáo dục và đào tạo để cung cấp khóa học phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Tích nhấn mạnh.
Để cải thiện và nâng cao Chỉ số Đổi mới sáng tạo năm 2024 và những năm tiếp theo đồng bộ và hiệu quả, Thạc sĩ Nguyễn Phương Thảo, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo với sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long và Cần Thơ. Đây là nền tảng quan trọng giúp khu vực nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, dù tầm quan trọng của nguồn nhân lực này đã được khẳng định, việc thu hút và phát triển vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển cần được thực hiện thông qua các chiến dịch truyền thông, hội thảo chuyên đề, cũng như các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý.
Tiến sĩ Christopher Han (Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, điều quan trọng đầu tiên là vai trò của các viện nghiên cứu, trường đại học. Các cơ sở nghiên cứu, trường đại học, viện nghiên cứu tại Đồng bằng sông Cửu Long và Cần Thơ cần trang bị cơ sở hạ tầng hiện đại, tiên tiến và cung cấp điều kiện làm việc tốt nhất để chuyên gia phát huy tối đa khả năng trong việc nghiên cứu, giảng dạy. Việc này không chỉ giúp tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học của khu vực mà còn góp phần đào tạo, phát triển nhân tài địa phương thông qua việc chuyển giao công nghệ và tri thức.
Chỉ số đổi mới sáng tạo lần đầu được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố vào ngày 12/3/2024, cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Đây là căn cứ để các địa phương biết được điểm mạnh, yếu, yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo./.
- Từ khóa:
- Cần Thơ
- chỉ số đổi mới sáng tạo