Sở hữu trí tuệ là một trong những mối quan tâm hàng đầu và là chiến lược phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up).
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, doanh nghiệp khởi nghiệp, start-up phải coi sở hữu trí tuệ là chiến lược, thúc đẩy hoạt động phát triển ý tưởng, tạo những sản phẩm, hàng hóa… phải chạm tới nhu cầu người tiêu dùng mới có thể tồn tại và phát triển.
.* Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là điều cần thiết để thu hút nguồn vốn đầu tư rủi ro hoặc ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh không lành mạnh. Việc phát triển tài sản trí tuệ đã trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cũng như tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn. Sở hữu trí tuệ là một trong những mối quan tâm hàng đầu và là chiến lược phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) bên cạnh việc phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực chất lượng cao, huy động vốn…
Ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: Các tổ chức, đơn vị, cá nhân cần nhận thức rõ giá trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để đăng ký tài sản trí tuệ ngay khi có ý tưởng, cùng với đó cần kiểm tra xem ý tưởng, giải pháp của mình có ai làm chưa, có ai bảo hộ chưa để có giải pháp phù hợp.
Bằng độc quyền sáng chế có thể xem là tài sản giá trị nhất của một start-up. Bằng độc quyền sáng chế chủ yếu mang lại lợi ích tấn công đối thủ cạnh tranh hay có thể gọi là chiến lược đăng ký sáng chế tấn công, tuy nhiên thực tế còn mang lại nhiều lợi ích phòng vệ khác. Với lợi ích phòng vệ, sáng chế có tác dụng giống như một chiếc "khiên" trước các đối thủ cạnh tranh, bảo vệ sản phẩm quan trọng nhất của doanh nghiệp khỏi sự bắt chước và bảo vệ doanh nghiệp trong các vụ kiện về xâm phạm độc quyền sáng chế. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, sở hữu trí tuệ là chiến lược tiên quyết để doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và phát triển bền vững.
Là tác giả của hơn 20 bằng sở hữu trí tuệ, trong đó trên 5 sản phẩm đã được thương mại hóa thành công, ông Đỗ Ngọc Chung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Năng lượng toàn diện cho biết, từ thực tế cho thấy để biến tài sản trí tuệ thành lợi nhuận cho doanh nghiệp thì phải đưa tài sản trí tuệ thành sản phẩm và sản phẩm phải chạm tới nhu cầu người tiêu dùng, đạt được điều này sẽ tạo ra sức mạnh, mang lại thành công cho doanh nghiệp.
Theo ông Đỗ Ngọc Chung để có một tấm bằng sở hữu trí tuệ như: Sáng chế hay Giải pháp hữu ích, Độc quyền nhãn hiệu... đối với start-up đã khó nhưng để phát triển được tài sản trí tuệ đó không hề dễ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp. Đặc biệt, để đưa các sở hữu trí tuệ thành sản phẩm, tạo thành tiền cho tác giả sáng chế hay doanh nghiệp sở hữu sáng chế thì thực sự "khó".
* Khẳng định giá trị doanh nghiệp
Hiện nay, các start-up cũng như nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã chú trọng tới tài sản trí tuệ, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp cho các dòng sản phẩm mới để nâng cao giá trị của doanh nghiệp. Theo đó, trong trường hợp chuyển giao tài sản sở hữu trí tuệ thì định giá doanh nghiệp cũng sẽ tăng do giá trị của tài sản trí tuệ mang lại.
Các start-up, doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ chú trọng tới tài sản sở hữu trí tuệ mà còn tập trung nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ nhằm hướng tới hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cần xây dựng một chiến lược sở hữu trí tuệ, bảo hộ độc quyền mang tính toàn cầu, kể cả là trong giai đoạn đầu là điều quan trọng cho các start-up để start-up có thể mở rộng ra thị trường quốc tế.
Ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh: Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới, việc doanh nghiệp bảo hộ logo hay các tài sản trí tuệ khác có lợi cho doanh nghiệp trong việc nâng cao sức cạnh trên thị trường, chống hàng gian, hàng giả. Các start-up, tổ chức, doanh nghiệp cần xác định được mình có tài sản trí tuệ nào, cần thống kê, phân loại và tùy từng đối tượng tài sản trí tuệ mà thực hiện biện pháp bảo mật hoặc đăng ký xác lập quyền phù hợp. Đặc biệt, khi tiếp cận thị trường quốc tế, tài sản trí tuệ giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị thương hiệu, tăng định giá doanh nghiệp nói chung cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng sẽ tạo được vị thế và chỗ đứng trên thị trường với việc sở hữu tài sản trí tuệ, chuyển giao, thương mại hóa tài sản trí tuệ.
Triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, nhiều địa phương đã xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, bảo hộ tài sản trí tuệ, trong đó chú trọng đến doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển bền vững. Chương trình phát triển tài sản trí tuệ nhằm nâng cao tính đồng bộ, hiệu quả trong hoạt động sở hữu trí tuệ ở tất cả khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng./.
- Từ khóa:
- tài sản trí tuệ
- doanh nghiệp