Khoa học

Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong đầu tư công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số quốc gia

Quy định mới sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc, khó khăn trong đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.

Nghị định 82 đã tháo gỡ  các vướng mắc về thể chế, chính sách cho đầu tư công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số.
Ảnh: TTXVN 

Sáng 12/7, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông tin về những điểm mới trong Nghị định số 82/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/7/2024. Đây là Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 73/2019/NĐ-CP (ngày 5/9/2019) nhằm tháo gỡ những vướng mắc lớn trong hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

“Trong bối cảnh thúc đẩy triển khai mạnh mẽ, gấp rút các nhiệm vụ chuyển đổi số để đạt mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các đề án, kế hoạch chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương, Nghị định 82 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73 được ban hành kịp thời, thể hiện quyết tâm chính trị và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong việc tháo gỡ các vướng mắc, “điểm nghẽn” về thể chế, chính sách cho thực hiện chuyển đổi số. Quy định trên được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề tiềm ẩn nguy cơ lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước có thể xảy ra trong đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin”, đại diện Cục chuyển đổi số quốc gia cho biết.

Cụ thể, Nghị định 82 lần đầu tiên thể chế hóa mạnh mẽ hoạt động đầu tư, mua sắm các phần mềm phổ biến được nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhu cầu đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin giống nhau về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản trên phạm vi toàn quốc hoặc trong phạm vi ngành, chuyên ngành, lĩnh vực. Theo đó, các bộ chuyên ngành có trách nhiệm rà soát, xây dựng, công bố danh mục và chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản của phần mềm phổ biến ngành, chuyên ngành, lĩnh vực; Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm rà soát, xây dựng, công bố danh mục và chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản của phần mềm phổ biến quốc gia; Các tổ chức, cá nhân cung cấp phần mềm phổ biến có trách nhiệm công bố công khai những sản phẩm phần mềm phổ biến do mình xây dựng, phát triển đáp ứng được các chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản đó.

Về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để đồng bộ, tuân thủ với các quy định của pháp luật luật đầu tư, pháp luật ngân sách nhà nước, pháp luật đấu thầu hiện hành, nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với thực tiễn, Nghị định 82 bỏ quy định về hạn mức kinh phí các trường hợp thiết kế 1 bước, 2 bước; Phân cấp mạnh cho cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, phương án thiết kế của các dự án đầu tư hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu bảo đảm hiệu quả quản lý thực hiện dự án. Quy định này cũng áp dụng với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển và cả với các hoạt động mang tính chất đầu tư, mua sắm hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Nghị định 82 bổ sung quy định về “trang thiết bị công nghệ thông tin” bao gồm thiết bị phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu để giải quyết vướng mắc về chuyển nguồn ngân sách nhà nước đối với mua sắm hàng hóa, trang thiết bị công nghệ thông tin; đồng thời khẳng định việc xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ là hoạt động mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin.

Đặc biệt, trong Nghị định 82, phần nội dung pháp lý đã chính thức quy định cụ thể phương pháp, cách thức xác định giá trị của những phần mềm được xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng dựa trên phần mềm thương mại, phần mềm nguồn mở, nền tảng số, bộ khung mã lệnh (framework), dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR)... “Với nội dung này, quy định mới là căn cứ để giải quyết những kiến nghị, vướng mắc nhiều năm qua của nhiều cơ quan, tổ chức trong hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh ứng dụng mạnh mẽ của những công nghệ mới vào xây dựng các phần mềm, nền tảng số”, đại diện Cục Chuyển đổi số Quốc gia nhấn mạnh.

Nghị định mới cũng bổ sung yêu cầu bắt buộc thực hiện duy trì, vận hành, bảo trì sản phẩm của các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện để các hệ thống thông tin, nền tảng số được vận hành ổn định, thường xuyên, liên tục, khai thác hiệu quả. Đặc biệt “điểm nghẽn” về nguồn kinh phí được tháo gỡ với quy định bắt buộc bảo đảm kinh phí cho hoạt động này.

Một điểm mới nữa là Nghị định 82 khẳng định thuê dịch vụ công nghệ thông tin là một hình thức ưu tiên triển khai trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số. Tuy nhiên để tránh tình trạng “lạm dụng” hình thức này, Nghị định đã bổ sung quy định trước khi thuê dịch vụ công nghệ thông tin, cơ quan nhà nước phải thực hiện so sánh ưu điểm, hạn chế giữa việc đầu tư, mua sắm mới với việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin dựa trên các điều kiện, tình hình cụ thể của cơ quan mình, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định hình thức thực hiện. Đồng thời, thời gian thuê dịch vụ được mở rộng lên tối đa 8 năm để bảo đảm ổn định, liên tục, hiệu quả của việc khai thác, sử dụng dịch vụ.

Cũng theo Nghị định mới, trong hoạt động đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẽ không phát sinh thêm thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước mà cắt giảm thêm 2 thủ tục hành chính nội bộ và thực hiện đơn giản hóa thêm 2 thủ tục hành chính nội bộ./.

Ngọc Bích

Xem thêm