Việt Nam có khả năng trở thành trung tâm tăng trưởng lớn của ngành công nghiệp bán dẫn, trong bối cảnh quy mô thị trường chip toàn cầu được dự báo tăng lên tới 1.400 tỷ USD vào năm 2029.
Ngành công nghiệp bán dẫn được các chuyên gia đánh giá có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển tại Việt Nam bởi hệ thống chính trị, kinh tế ổn định, nguồn nhân lực dồi dào.
Trong bối cảnh quy mô thị trường chip toàn cầu được dự báo tăng lên tới 1.400 tỷ USD vào năm 2029, nhân lực ngành công nghệ vi mạch và bán dẫn trong 5 năm tới cần khoảng 20.000 người và 10 năm tới cần khoảng 50.000 người có trình độ từ đại học trở lên. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành công nghệ điện tử, vi mạch và bán dẫn của Việt Nam
*“Khát” nhu cầu nhân lực cho ngành bán dẫn
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vina Solar Technology (trụ sở tại Bắc Giang) chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời, sản xuất điện từ năng lượng mặt trời. Mỗi năm, Công ty này cần từ 200-300 kỹ sư về lĩnh vực thiết kế, đóng gói vi mạch và bán dẫn làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài nước, tuy nhiên hiện nay
rất khan hiếm nguồn nhân lực. Công ty sẵn sàng ký kết hợp đồng với thực tập sinh của các trường đại học để các trường đào tạo sát thực tế quy trình sản xuất cũng là tạo nguồn tuyển dụng hằng năm hoặc đào tạo theo đặt hàng. Vina Solar Technology là một trong nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu thực đối với lĩnh vực vi mạch, bán dẫn nhưng gặp khó khăn trong tuyển dụng.
Trước nhu cầu thực tế của thị trường, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên đã quyết định triển khai đào tạo ngành Công nghệ bán dẫn trình độ đại học, kịp thời đáp ứng tuyển sinh cho năm học 2024-2025, chương trình chính thức khởi động từ tháng 7/2024. Hoạt động đào tạo và cấp văn bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Khoa học.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, nhà trường xác định tập trung đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ điện tử, vi mạch và bán dẫn thuộc khối các trường của Đại học Thái Nguyên là nhiệm vụ quan trọng. Đối với Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Khoa học, đào tạo về lĩnh vực công nghệ bán dẫn là mới mẻ nhưng không phải quá xa lạ với đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên đã và đang công tác tại đây.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên cho biết, với kinh nghiệm đào tạo các ngành liên quan hơn 20 năm qua như Vật lý, Vật liệu, Hóa học, hệ thống thiết bị thí nghiệm hiện đại…, đội ngũ nhà khoa học đang làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ của nhà trường gồm 6 Phó Giáo sư, 6 Tiến sĩ đã có nhiều thành tựu nghiên cứu trong nước, quốc tế về lĩnh vực này, trường phát huy tốt tiềm lực đang có để đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn thời gian tới.
Giai đoạn 2018-2023, Viện Khoa học và Công nghệ đã chủ trì một đề tài trọng điểm cấp Nhà nước, 10 đề tài do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) tài trợ, 9 đề tài cấp Bộ… Đặc biệt, mỗi năm, các nhà khoa học của Viện có từ 25 - 45 bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Theo khung thiết kế chương trình đào tạo của Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, sinh viên sau tốt nghiệp sẽ nắm vững kiến thức nền tảng và chuyên sâu về kỹ thuật thiết kế vi mạch để ứng dụng; có kỹ năng thiết kế, hiện thực hóa và đánh giá hệ thống, giải pháp của ngành thiết kế vi mạch. Bên cạnh đó, sinh viên được trang bị ngoại ngữ để trở thành chuyên gia tập đoàn điện tử, bán dẫn lớn. Đây là những yếu tố cần và đủ để tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn trong tương lai.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn đã được các cơ sở giáo dục đại học khác tại Việt Nam quan tâm. Đơn cử, Tập đoàn FPT đề xuất phía Hoa Kỳ hỗ trợ đào tạo 30.000-50.000 chuyên gia bán dẫn thông qua đầu tư vào Trường Đại học FPT. Hay Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội bắt đầu đào tạo ngành công nghệ vi mạch bán dẫn từ năm 2024 với lợi thế về cơ sở vật chất mới được đầu tư và hợp tác quốc tế.
*Tạo nền tảng công nghệ số
Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, phát triển công nghiệp điện tử, bán dẫn, vi mạch là con đường chủ đạo và đặt mục tiêu đến năm 2030 các ngành này đạt trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhận định, Việt Nam có đủ điều kiện, yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành một phần của chuỗi giá trị bán dẫn, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu... Thời gian qua, nước ta đã hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên đầu tư và phát triển chip bán dẫn. Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã bổ sung ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; trong đó, bao gồm dự án sản xuất chip.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhận định, bên cạnh thuận lợi, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam còn hạn chế. Đó là, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, hoạt động nghiên cứu và phát triển chưa đồng bộ; nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Hơn nữa, Việt Nam cần nhiều nỗ lực để đạt được thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các cường quốc công nghệ, từ đó, tiến tới việc tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam hiện chỉ có khoảng 5.000 người. Vì vậy, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam; trong đó, có Đề án phát triển nguồn nhân lực 50.000 kỹ sư, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Theo các chuyên gia, với tiềm lực kinh tế hiện tại của Việt Nam, việc tự đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chip là không dễ dàng, bởi chi phí xây dựng một nhà máy sản xuất chip rất lớn, có thể lên tới hàng chục tỷ USD cùng nhiều điều khoản đi kèm. Tuy nhiên, với lợi thế có nguồn đất hiếm đứng thứ hai thế giới, Việt Nam có thể tận dụng điều đó để đưa ra thỏa thuận với các đối tác nước ngoài có nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu này với những yêu cầu như phải đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam và ưu tiên nhập khẩu linh kiện cho các doanh nghiệp trong nước.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực bán dẫn thông qua Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên; ưu tiên nguồn lực triển khai chương trình sản phẩm quốc gia, trong đó có sản phẩm quốc gia là vi mạch điện tử tích hợp.
Đồng thời, Bộ tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, doanh nghiệp, tập đoàn lớn để nghiên cứu, đánh giá các khâu trong chuỗi sản xuất chip (thiết kế, chế tạo, gia công và đóng gói) mà Việt Nam có lợi thế và khả năng thành công để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên nguồn lực, có chính sách phù hợp. Bộ sẽ hỗ trợ xây dựng năng lực cho một số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất chip, hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo liên quan đến vật liệu bán dẫn, thiết kế chip tại Việt Nam./.