Khoa học

Nhân lực là cánh cửa để Việt Nam gia nhập thị trường công nghệ bán dẫn

Hà Nội

Đào tạo nhân lực công nghệ cao của Việt Nam, trong đó có nhân lực ngành bán dẫn cần nhắm đến nhu cầu của thị trường toàn cầu.

Quang cảnh tọa đàm.
Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt nhân lực ngành công nghệ thông tin nói chung và nhân lực ngành bán dẫn nói riêng. Nguồn nhân lực là thế mạnh, là cánh cửa lớn nhất để Việt Nam gia nhập hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn. Đây là nhận định của ông Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện khoa học công nghệ VINASA tại tọa đàm chuyên đề “Xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Hà Nội, Việt Nam” diễn ra sáng 31/7 trong khuôn khổ chương trình ngày hội Kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội 2024 tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Quang cảnh tọa đàm chuyên đề “Xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Hà Nội, Việt Nam”. 

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Nhật Quang đã phân tích xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp tại Hà Nội và khu vực các tỉnh, thành phố lân cận. Hà Nội và vùng vành đai công nghiệp trong tương lai gần sẽ cần một lượng lớn nguồn nhân lực công nghệ, công nghệ thông tin. Đáng nói, không chỉ cần nguồn kỹ sư công nghệ cao, các khu công nghiệp, doanh nghiệp công nghệ còn cần cả đội ngũ kỹ thuật viên, công nhân lắp ráp, đóng gói, kiểm định…

Viện trưởng Viện khoa học công nghệ VINASA Nguyễn Nhật Quang phát biểu.
Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN

Bên cạnh đó, với xu hướng công nghệ ngày càng trở thành thiết yếu với cuộc sống, bài toán nhân lực công nghệ là vấn đề toàn cầu. Đào tạo nhân lực công nghệ cao của Việt Nam, trong đó có nhân lực ngành bán dẫn cần nhắm đến nhu cầu của thị trường toàn cầu. Nếu chỉ đào tạo kỹ sư bán dẫn cho thị trường việt Nam, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng nhân lực thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu. Khi hướng đến cung cấp nhân lực toàn cầu, ông Nguyễn Nhật Quang cũng lưu ý các cơ sở đào tạo, bên cạnh cung cấp kiến thức công nghệ cập nhật, việc đào tạo kỹ năng mềm, xây dựng văn hóa làm việc… cũng cần được tính toán để trang bị cho sinh viên.

Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, nguồn nhân lực là một trong những thế mạnh của Việt Nam. Hầu hết các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đến với Việt Nam đều đánh giá: Đây là điểm lợi thế lớn nhất của nước ta. Nhưng nguồn nhân lực đối với ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi chất lượng cao, chất lượng quốc tế. Hiện nay chúng ta có một bối cảnh rất thuận lợi là từ lâu rồi đào tạo rất nhiều kỹ sư, nhiều sinh viên từ ngành gần và ngành phù hợp với bán dẫn, chứ không phải bây giờ mới vào cuộc đào tạo. Tuy nhiên, hiện chúng ta mới đào tạo ngắn hạn và đào tạo chuyển đổi, chưa có đào tạo đúng chuyên ngành bán dẫn. Ví dụ như kỹ sư về vật liệu hoàn toàn có thể chuyển đổi sang ngành gần của ngành bán dẫn. Do vậy, các cơ sở giáo dục của Việt Nam cần tính toán chiến lược đào tạo nhân lực hợp lý để đón đầu xu hướng phát triển.

Ban Tổ chức ngày hội Kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội 2024 trao giấy chứng nhận cho các đơn vị tham gia chương trình.
Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN

Nói về điểm yếu của đào tạo nhân lực công nghệ của các trường đại học trong lĩnh vực công nghệ Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng Giám đốc Công ty Coasta SEMI Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: Sự thiếu kết nối trong các môn đào tạo trong trường dẫn đến sinh viên học giỏi từng phần những không có cái nhìn tổng thể, gắn kết giữa các phần được học. Với cách đào tạo thiên về lý thuyết nền và kỹ năng cơ bản, sinh viên có thể làm việc ngay sau khi ra trường. Tuy nhiên, vì không có nền tảng sâu; lý thuyết không gắn với thực hành, thực tế; không có cái nhìn tổng thể với ngành được đào tạo, sau 5-10 năm ra trường, những nhân sự này gặp khó khắn để phát triển, tiến sâu hơn trong nghề. Từ đó, dẫn đến việc phải bỏ nghề hoặc không thể gia tăng thu nhập, thêm cơ hội việc làm và khó khăn khi cạnh tranh với thế hệ sinh viên sau. Ông Thanh Yên nhấn mạnh đến việc đào tạo công nghệ gắn với các doanh nghiệp để sinh viên có môi trường thực hành theo nhu cầu thực tế, đồng thời tăng cơ hội có việc làm lương cao ở tất cả thị trường lao động trong và ngoài nước.

Về vấn đề phát triển công nghệ bán dẫn và vi mạch tại Hà Nội, Giáo sư Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, bài toán mấu chốt để tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn là Việt Nam cần chọn được mắt xích và phải chọn được mắt xích quan trọng, phù hợp với lợi thế để đầu tư, phát triển. Việt Nam hay bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, dù mạnh cũng không thể hoàn toàn làm chủ được công nghệ bán dẫn. Chọn được đúng vị trí sẽ giúp Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung phát triển công nghiệp bán dẫn hợp lý, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh bền vững./.

Ngọc Bích

Tin liên quan

Xem thêm