Khoa học

Bảo vệ an ninh và phát triển vùng biên giới theo hướng bền vững

Hội thảo nhằm thảo luận và đánh giá những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực trọng yếu này thời gian qua; khái quát, phân tích những khó khăn, thách thức, trở ngại, những vấn đề đặt ra…

 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Chủ nhiệm Chương trình phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Diệu Thúy - TTXVN

Chiều 5/8, tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm đề tài “Phát triển bền vững vùng biên giới đất liền ở Việt Nam phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị” thuộc Chương trình trọng điểm cấp bộ "Nghiên cứu tổng thể vùng biên giới đất liền ở Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị trong điều kiện hiện nay" do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Bảo đảm an ninh, chính trị và bảo vệ môi trường vùng biên giới đất liền Việt Nam theo hướng bền vững và định hướng giải pháp”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật quan trọng trực tiếp liên quan đến bảo vệ an ninh, chính trị và phát triển vùng biên giới theo hướng bền vững như: Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (ban hành ngày 28 tháng 9 năm 2018); Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành ngày 25/2/2021); Nghị quyết của Chính phủ số 23/NQ-CP về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền (ban hành ngày 2/3/2022)…

Điều đó cho thấy sự quan tâm của Đảng, nhà nước cũng như vị trí quan trọng của khu vực biên giới trong phát triển đất nước nói chung, đảm bảo an ninh chính trị quốc gia nói riêng. Chính vì vậy, việc nhận diện đúng và đầy đủ thực trạng, đồng thời, hiểu rõ hơn bản chất của các vấn đề đang nổi lên cũng như dự báo xu hướng phát triển và đánh giá các yếu tố tác động ở vùng biên giới nước ta hiện nay có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn quan trọng, góp phần vào sự đảm bảo an ninh, chính trị, từ đó ổn định và phát triển của vùng biên giới nói riêng và của đất nước nói chung.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Văn Tuấn nhấn mạnh, Hội thảo nhằm thảo luận và đánh giá những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực trọng yếu này thời gian qua; khái quát, phân tích những khó khăn, thách thức, trở ngại, những vấn đề đặt ra…Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các hoạt động đảm bảo an ninh, chính trị, bảo vệ môi trường, hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu của phát triển bền vững đất nước.

Phân tích về thực trạng bảo vệ môi trường vùng biên giới đất liền và nhận diện những vấn đề đang đặt ra, theo Tiến sỹ Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý Nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, an ninh môi trường đang bị đe dọa nghiêm trọng và diễn ra hết sức phức tạp. Tình hình gia tăng dân số, thâm canh nông nghiệp, nhất là quá trình đô thị hóa trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đang ảnh hưởng lớn đến an ninh môi trường. Thêm vào đó là các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch đang là nguyên nhân cơ bản gây nên nguy cơ mất an ninh môi trường, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững của nước ta hiện nay. Hầu hết môi trường đất, nước, không khí tại các khu dân cư, khu công nghiệp, từ thành thị đến nông thôn đã và đang bị xuống cấp, trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Chính vì vậy mà Đảng và Nhà nước ta đã rất coi việc bảo đảm an ninh môi trường, là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội.

Do đó, Tiến sỹ Nguyễn Song Tùng cho rằng, vấn đề an ninh môi trường vùng biên giới cần phải được quan tâm chú ý để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và giữ vững an ninh chính trị hướng đến mục tiêu phát triển bền vững nói chung.

Quang cảnh Hội thảo. 
Ảnh: Diệu Thúy - TTXVN

Chia sẻ về quan hệ tộc người xuyên quốc gia tại các vùng biên giới của Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp, Thạc sỹ Trương Thị Hồng Gái, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, mặc dù mối quan hệ tộc người xuyên quốc gia cũng góp phần đem lại nhiều lợi ích cho việc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, nhưng bên cạnh đó cũng gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn.

Do đó, Thạc sỹ Trương Thị Hồng Gái đề xuất, Đảng và Nhà nước ta cần có những đường lối và chính sách đúng đắn, phù hợp nhằm phát triển kinh tế- xã hội nói chung, quan hệ  tộc người xuyên biên giới nói riêng nhằm bảo đảm bền vững chủ quyền biên giới, trật tự xã hội. Cụ thể, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng biên giới, gắn với xây dựng “thế trận lòng dân”; tăng cường ý thức quốc gia – dân tộc của người dân bằng cách đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng lực lượng cán bộ nòng cốt ở các tộc người ở vùng biên giới, đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả của các chính sách đối với từng tộc người cụ thể; xây dựng một số trung tâm phát triển kinh tế- xã hội cho các dân tộc vùng biên. 

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số nội dung khác như: Bảo vệ môi trường biên giới đất liền- thực tiễn, vấn đề và giải pháp; hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam hiện nay như: Diện mạo, vấn đề đặt ra và một số kiến nghị; thực trạng khai thác và quản lý tài nguyên thiên nhiên vùng biên giới đất liền Việt- Trung./.

Diệu Thúy

Tin liên quan

Xem thêm