Đến nay, Yên Bái đã triển khai công tác chuyển đổi số một cách bài bản, khoa học, sáng tạo, hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực, có mặt nổi trội. Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh tăng nhanh và đều qua các năm.
TTXVN - Ngày 13/3, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024, trong đó công bố quyết định phê duyệt kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số của các sở, ban, ngành; các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Theo đó, Sở Thông tin - Truyền thông dẫn đầu khối các sở, ban, ngành với tỷ lệ hoàn thành đạt 98,82%; thứ hai là Văn phòng UBND tỉnh với tỷ lệ hoàn thành 97,06%; thứ ba là Sở Tài chính với tỷ lệ hoàn thành 91,95%.
Ở khối các địa phương, thành phố Yên Bái tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng chuyển đổi số với tỷ lệ hoàn thành đạt 80,69%; đứng thứ hai là huyện Văn Yên với tỷ lệ hoàn thành 80,57%; thị xã Nghĩa Lộ xếp thứ ba với tỷ lệ hoàn thành 77,91%.
Năm 2023 được tỉnh Yên Bái chọn là năm "Bứt phá trong chuyển đổi số" theo đặc trưng Yên Bái - chuyển đổi số giúp người dân hạnh phúc hơn. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự tham gia hưởng ứng của toàn dân, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành 32/35 mục tiêu về chuyển đổi số, đạt 91,4%; hoàn thành 101/111 nhiệm vụ chuyển đổi số, đạt 91%.
Toàn tỉnh có 57% người dân trưởng thành cài đặt và sử dụng nền tảng Công dân số tỉnh Yên Bái (YenBai- S); tỷ lệ đảng viên có tài khoản sử dụng nền tảng Ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái đạt 82,4%. Riêng năm 2023, tỷ trọng kinh tế số toàn tỉnh đạt 12,20%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%; 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh được đưa lên các sàn thương mại điện tử.
Đến nay, Yên Bái có 100% cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị có nhu cầu được kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công của tỉnh để giải quyết thủ tục hành chính; 80% thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến; 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; 30% hồ sơ thủ tục hành chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia…
Chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy khẳng định: Đến nay, Yên Bái đã triển khai công tác chuyển đổi số một cách bài bản, khoa học, sáng tạo, hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực, có mặt nổi trội. Trong đó, tỉnh khẩn trương quán triệt và ban hành đồng bộ các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; xác định lộ trình chuyển đổi số rõ ràng, hiệu quả, khả thi cho từng năm và cả giai đoạn đến năm 2030.
Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh tăng nhanh và đều qua các năm. Đến hết năm 2022, Yên Bái đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 25 bậc so với năm 2020 và đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố về khả năng cải thiện chỉ số DTI.
Ông Đỗ Đức Duy đã chỉ ra một số hạn chế, khó khăn, thách thức trong công tác chuyển đổi số của tỉnh như nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về chuyển đổi số chưa thực sự đầy đủ, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ số. Nguồn lực dành cho công tác chuyển đổi số còn hạn chế. Mức độ chuyển đổi số trong doanh nghiệp còn chậm…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung tham luận một số cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; những khó khăn, hạn chế và đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới như nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; những cách làm hay và kết quả phát triển "công dân số từ khu phố đến bản làng"; những kết quả và nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch…
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đề nghị, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần sớm ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 đảm bảo rõ mục tiêu, rõ nhiệm vụ, rõ người thực hiện. Đẩy mạnh phong trào phát triển công dân số, phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức đạt tiêu chí công dân số, 70% người dân trưởng thành đạt tiêu chí công dân số. Xây dựng xã, phường, thị trấn, huyện, thị, thành phố và sở, ban, ngành đạt chuyển đổi số/chuyển đổi số nâng cao…
Ông Trần Huy Tuấn yêu cầu các địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chuyển đổi số cộng đồng. Các địa phương tập trung phát triển kinh tế số, lựa chọn các ngành, lĩnh vực là thế mạnh, chọn các khâu phù hợp để tác động các công nghệ, nền tảng số làm tăng giá trị; thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể và trong các hoạt động kinh tế./.
- Từ khóa:
- Yên Bái
- chuyển đổi số