Văn hóa

Chuyên gia quốc tế đề xuất giải pháp cân bằng giữa bảo tồn và phát triển di sản

TP. Huế

Đây là một trong những hoạt động điểm nhấn của Hội nghị quốc tế các thị trưởng nói tiếng Pháp lần thứ 45.

 Ông Võ Lê Nhật, Bí thư Quận ủy Phú Xuân, thành phố Huế phát biểu tại hội thảo. 
 Ảnh: Tường Vi - TTXVN.

Chiều 27/4, tại thành phố Huế, Hội thảo Di sản và Du lịch bền vững đã diễn ra với sự tham gia của hàng trăm thị trưởng, quan chức và đại diện các thành phố nói tiếng Pháp trên toàn thế giới. Đây là một trong những hoạt động điểm nhấn của Hội nghị quốc tế các thị trưởng nói tiếng Pháp lần thứ 45.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Quận ủy Phú Xuân (thành phố Huế) Võ Lê Nhật nhận định, di sản văn hóa không chỉ là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, mà còn là nền tảng để xây dựng bản sắc, tạo lập niềm tự hào và thúc đẩy sự gắn kết trong cộng đồng. Du lịch di sản đã giúp lan tỏa giá trị văn hóa, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và phát huy di sản. Tuy nhiên, phát triển du lịch nếu thiếu kiểm soát cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như quá tải điểm đến, thương mại hóa di sản, suy giảm giá trị văn hóa bản địa và tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên. Chính vì vậy, du lịch bền vững - lấy bảo tồn di sản làm trọng tâm, lấy cộng đồng địa phương làm chủ thể - cần phải trở thành nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình phát triển. Theo ông Võ Lê Nhật, thành phố Huế đang phát triển nhiều dự án hợp tác song phương với các thành phố nói tiếng Pháp, tập trung mạnh vào các vấn đề về bảo tồn di sản. Hội thảo là dịp để các thị trưởng và chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và tầm nhìn của họ về vấn đề này cũng như phát triển du lịch bền vững cho thành phố Huế - nơi đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2025.

Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi nhiều ý kiến xoay quanh các câu hỏi lớn, cấp bách để khai thác giá trị di sản phục vụ phát triển kinh tế mà không làm tổn hại đến bản chất, tinh thần của di sản; du lịch trở thành động lực cho việc bảo tồn, thay vì trở thành nguyên nhân của sự mai một; phát triển du lịch di sản gắn với bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc và thúc đẩy sự tham gia chủ động của cộng đồng.

 Đại biểu phát biểu tại hội thảo. 
 Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Một số chuyên gia, nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và doanh nghiệp giới thiệu những mô hình, bài học thành công từ thực tiễn đồng thời chỉ ra thách thức còn tồn tại nhằm đề xuất các giải pháp cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; đổi mới mô hình quản lý di sản; ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu và bảo tồn di sản; xây dựng các sản phẩm du lịch sáng tạo, tôn trọng bản sắc văn hóa và thiên nhiên.

Phó Thị trưởng Dakar, phụ trách hợp tác (Senegal) Mme Khady Niang chia sẻ, hòn đảo Gorée có dấu ấn lịch sử mạnh mẽ đối với người dân địa phương cũng như du khách với di tích nhà tù nô lệ. Nhà tù chứa đựng dấu tích đau thương trong lịch sử đất nước nhưng đồng thời là biểu tượng cho sự hy vọng về tương lai. Trách nhiệm của chính quyền là xây dựng bản sắc tập thể liên kết quá khứ và tương lai; tìm cách đưa ký ức vào chương trình giáo dục để học sinh hiểu được sự khoan dung, phân biệt chủng tộc, chế độ nô lệ và cách vượt qua khó khăn của quá khứ; từ đó, trao truyền giá trị dân tộc, di sản cho thế hệ sau.

 Đại biểu tham dự hội thảo. 
 Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Để phát huy giá trị các nhà tù nô lệ, lâu đài, nghĩa trang gắn liền với lịch sử, cần phải đào tạo những hướng dẫn viên hiểu rõ lịch sử, tạo các phần mềm hướng dẫn tự động biết kể câu chuyện lịch sử. Ngoài ra, thành phố thường tổ chức các triển lãm, lễ hội văn hóa liên quan đến ký ức của hòn đảo, sử dụng công cụ số để thế hệ trẻ dễ dàng tiếp cận. Truyền bá các di sản qua chương trình hội thảo, các hiệp hội tại địa phương để truyền đạt các kỹ năng sống như nghề thủ công, cách nấu ăn... cho phép người trẻ tham gia vào bảo tồn di sản.

Ông Jacquis Gabriel Kemleu Tchabgou, Thị trưởng Dschang (Cameroon) cho biết, Dschang là thành phố lịch sử duy nhất của Cameroon chịu ách đô hộ phân quyền của Pháp. Bảo tàng các nền văn minh ở Dschang trở thành địa điểm di sản không thể bỏ qua của du khách khi đến Cameroon, giúp thành phố Dschang trở thành phố thông minh. Để bảo tồn di sản, ký ức lịch sử, Dschang luôn cố gắng để bảo tàng trở nên sống động bằng cách tổ chức trưng bày các tài liệu bảo tàng tại Paris (Pháp) giúp giới thiệu các di sản vật thể, phi vật thể của đất nước Cameroon./.

Mai Trang

Xem thêm