Đam mê với giấy dó truyền thống, cô gái trẻ Đoàn Thái Cúc Hương đã sáng tạo ra những sản phẩm ứng dụng, đã giúp cho giấy thủ công truyền thống được “sống” với một đời sống mới, đa dạng và gần gũi với cuộc sống hiện đại.
TTXVN - Những tờ giấy dó, giấy dướng truyền thống được cô gái trẻ 9x Đoàn Thái Cúc Hương sử dụng để sáng tạo ra những sản phẩm ứng dụng, là những chiếc chao đèn trang trí, những cái quạt cầm tay, những tấm bưu thiếp… vừa mang đậm nét văn hóa truyền thống, vừa chứa đựng hơi thở đương đại. Đam mê với giấy dó truyền thống của cô gái đã giúp cho giấy thủ công truyền thống được “sống” với một đời sống mới, đa dạng và gần gũi với cuộc sống hiện đại.
* Cơ duyên và tình yêu với giấy truyền thống
Xưởng chế tác đồ thủ công của Đoàn Thái Cúc Hương nằm trong một ngõ nhỏ trên phố Đông Tác (quận Đống Đa, Hà Nội) chỉ vỏn vẹn hơn chục mét vuông, trong đó có rất nhiều sản phẩm thủ công, từ những chiếc chao đèn với nhiều kích cỡ khác nhau, những chiếc quạt cầm tay, cho đến những cuốn sổ tay, những tờ lịch, bức tranh, bưu thiếp, phong bì… Tất cả đều được Cúc Hương sáng tạo từ những tờ giấy dó, giấy dướng truyền thống, với màu sắc mộc mạc, đậm chất văn hóa xưa.
“Cô chủ nhỏ” Đoàn Thái Cúc Hương đang cắm cúi, tỉ mẩn tô vẽ từng nét hoa văn trên chiếc chụp đèn trang trí. Theo đôi bàn tay khéo léo, những họa tiết hoa văn trang trí tinh xảo dần hiện hữu.
Đoàn Thái Cúc Hương kể, cô được sinh ra, lớn lên trong một gia đình có bố làm nghề chạm đồ gỗ mỹ nghệ. Từ nhỏ, cô đã rất thích những tác phẩm gỗ mỹ nghệ được hình thành từ đôi bàn tay của cha và luôn yêu mến những sản phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống.
Cơ duyên đưa Đoàn Thái Cúc Hương đến với những sản phẩm làm từ giấy truyền thống của Việt Nam rất tình cờ. Đó là vào khoảng đầu năm 2021, trong lúc rảnh rỗi, cô đăng ký tham gia wokshop trải nghiệm làm hoa khô của một người bạn. Đến nơi, Hương được bạn đưa cho một tờ giấy dướng để làm nền dán hoa lên.
Sờ tay vào tờ giấy ram ráp, xù sì với những đường vân lạ mắt, cô gái trẻ đã bị hấp dẫn bởi sự khác lạ và vẻ đẹp mộc mạc đến lạ lùng của tờ giấy đó. Sau khi hỏi và được biết đó là tờ giấy dướng, một sản phẩm của làng nghề thủ công truyền thống, Hương cứ tấm tắc mãi: Sao lại có loại giấy đẹp đến thế…
Trở về, Cúc Hương dành thêm thời gian tìm hiểu và phát hiện, các sản phẩm ứng dụng từ giấy truyền thống chưa nhiều. Cô suy nghĩ, một loại giấy truyền thống đẹp như thế mà chỉ để viết và vẽ thật tiếc và sản phẩm ấy sẽ không đến được với nhiều người…
Đoàn Thái Cúc Hương kể, khi đó, cô đang là giáo viên dạy Tiếng Anh tại một trường học ở Hà Nội, dịch COVID-19 hoành hành, các trường nghỉ, cô không đi dạy được. Những ngày quanh quẩn ở nhà, Hương muốn làm cái gì đó cho đỡ buồn. Cô nhớ đến giấy dó, giấy dướng, thế là tự mầy mò, thử nghiệm… Sản phẩm đầu tiên Hương ra mắt chính là cái chao đèn bàn giấy dướng với các họa tiết trang trí từ hoa khô, được bạn bè khen ngợi. Sau này, cô làm thêm một số sản phẩm thủ công từ giấy dó, giấy dướng truyền thống để tự mình sử dụng, để thỏa mãn niềm vui và tình yêu của cô dành cho những tờ giấy truyền thống thô mộc ấy.
Bạn bè thấy cô khéo tay, đã khích lệ, động viên và khuyên cô nên suy nghĩ đến việc chế tạo, phát triển những sản phẩm thủ công thành sản phẩm hàng hóa. Lúc này, Cúc Hương mới nghiêm túc suy nghĩ đến việc nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm ứng dụng trên giấy truyền thống. Từ đây, hành trình sáng tạo sản phẩm thủ công từ giấy truyền thống của Đoàn Thái Cúc Hương bắt đầu. Bên cạnh các loại chao đèn bàn, đèn ngủ, đèn trang trí được sáng tạo từ giấy truyền thống, sau này, Cúc Hương mở rộng làm thêm nhiều sản phẩm, như: quạt mo, quạt gấp, sổ ghi chép, chiếc đèn cù, đèn kéo quân, trang sức, phong bì, bưu thiếp…
Chưa từng học qua lớp học về mỹ thuật, nhưng khi quyết định bắt tay vào làm các sản phẩm thủ công, cô hầu như không gặp khó khăn gì nhiều. “Bố tôi làm thợ mộc, thường xuyên đục đẽo những hoa văn, họa tiết trang trí trên gỗ. Khi còn bé, tôi thường xuyên xem bố làm việc, những hoa văn truyền thống ấy đã ngấm vào trong tôi một cách tự nhiên. Có lẽ vì thế mà dù không được học, nhưng khi bắt tay vào chế tạo những sản phẩm thủ công, tôi không gặp nhiều khó khăn lắm”, Cúc Hương chia sẻ.
* Sáng tạo từ giấy truyền thống
Ngắm những sản phẩm Đoàn Thái Cúc Hương sáng tạo từ giấy truyền thống, người xem không khỏi trầm trồ, thán phục bàn tay khéo léo của cô gái trẻ. Cúc Hương cho biết, để có thể tạo ra được một sản phẩm, cô tự mình lên ý tưởng, từ hình dáng, tỷ lệ, kích thước, sau đó làm từng bước một để tránh bị sai sót. Những cái chao đèn, những cái quạt mo được cô tự tay cắt, bồi, dán và vẽ lên những họa tiết hoa văn truyền thống, họa tiết hình hoa các loại, như: hoa sen, hoa đào, mai… mang vẻ đẹp mộc mạc và đậm nét văn hóa Việt. Những cuốn sổ tay được làm thủ công từ giấy truyền thống, nhuộm các màu tự nhiên từ đất, lá cây, dát thêm xương lá bồ đề cũng được nhiều người ưa chuộng. Nhận thấy chất liệu giấy dó phù hợp để làm tranh khắc gỗ, Cúc Hương còn làm các bản khắc gỗ để in trang trí trên chao đèn rất cầu kỳ, với những họa tiết hoa văn cổ nhìn rất đẹp mắt.
Nhìn cách Cúc Hương nâng niu từng tờ giấy dó, giấy dướng trong các sản phẩm thủ công, người đối diện không khó để cảm nhận tình yêu đặc biệt của cô đối với giấy truyền thống Việt. Cúc Hương bảo, cô đã từng về làng nghề truyền thống sản xuất giấy, chứng kiến các công đoạn mà các bác, các cô chú làm ra những tờ giấy thủ công ấy. Từ việc lên rừng lấy cây dướng về, cho đến công đoạn ngồi tách vỏ cây, ngâm, ủ, giã, ép, phơi… Để cho ra đời được một tờ giấy dó, phải mất tới gần 1 tháng. Vậy nên, cô tiếc từng vụn giấy nhỏ và luôn nghĩ cách để tận dụng, không lãng phí.
Những tờ giấy bản to dùng để làm chao đèn to, những mảnh giấy nhỏ hơn làm sổ, làm bưu thiếp, phong bì hay làm quạt... những vụn giấy được gom lại để xay làm giấy bồi… Tất cả đều được thực hiện một cách tỉ mỉ, cẩn trọng. Ngay cả màu để dùng trong các sản phẩm, cũng được Cúc Hương tạo ra từ các màu thiên nhiên, cây tràm, vỏ cây vải, một số màu khác như màu vàng, màu nâu được cô chế tạo từ các loại đất khác nhau…
Mong muốn lớn nhất của Đoàn Thái Cúc Hương là làm sao để sáng tạo thêm thật nhiều sản phẩm thủ công ứng dụng trong đời sống thường ngày từ các loại giấy truyền thống. Như vậy, Hương vừa có thể góp một phần nhỏ công sức vào việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, vừa có thể đưa giá trị văn hóa truyền thống đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước. Cúc Hương đang hướng tới việc đưa xưởng sáng tạo của mình trở thành một không gian văn hóa, đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Ở đó, cô có thể vừa giới thiệu những sản phẩm thủ công của mình, kể những câu chuyện về nghề truyền thống và các du khách nếu muốn, cũng có thể tự tay làm cho mình một sản phẩm từ giấy truyền thống.
“Tôi mong muốn mọi người biết nhiều hơn, trân trọng hơn nghề truyền thống và các sản phẩm thủ công của người Việt, để các sản phẩm thủ công của người Việt có chỗ đứng trên thị trường trong nước và nước ngoài”, Đoàn Thái Cúc Hương chia sẻ./.