Văn hóa

Đưa hát chầu văn đến gần với công chúng

Lạng Sơn

Diễn xướng chầu văn là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo gắn liền với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng người Việt.

Một tiết mục hầu đồng tại liên hoan. Ảnh: (Vũ Văn Đạt/TTXVN)

TTXVN - Ngày 5/3, tại đền Cửa Đông (phường Chi Lăng), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức Liên hoan diễn xướng chầu văn tỉnh mở rộng năm 2024.

Phát biểu khai mạc Liên hoan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Phan Văn Hòa nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa, góp phần tôn vinh thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời khơi dậy truyền thống văn hóa, ý thức giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật diễn xướng chầu văn, đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung, nghi lễ diễn xướng chầu văn nói riêng có nguồn gốc bản địa của người Việt, đã tồn tại lâu đời và phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử. Diễn xướng chầu văn là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo gắn liền với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng người Việt.

Trong diễn xướng chầu văn chứa đựng các giá trị nghệ thuật như: Âm nhạc, văn hóa, nghệ thuật trình diễn, trang phục, vũ đạo… mang đến cho người xem những giá trị về văn hóa, tâm linh, đề cao mối quan hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân với cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với những lời văn trau chuốt nghiêm trang, hát văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa hầu Thánh, thể hiện ước vọng của nhân dân về cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là một loại hình nghệ thuật có tính nhân văn sâu sắc, hướng con người đến chân - thiện - mỹ.

Với những giá trị đó, năm 2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hơn 40 nghệ nhân, thanh đồng của tỉnh Lạng Sơn và 13 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Tuyên Quang, Lai Châu, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Lâm Đồng, Khánh Hòa đã mang đến liên hoan những tiết mục hầu đồng, hát chầu văn đặc sắc. Các giá hầu như: Quan lớn Đệ Tam; cô Sáu sơn trang; quan Tuần Tranh; chúa đệ nhất Tây Thiên; ông Hoàng Bảy; vương cô nhà Trần... nhận được sự chú ý, theo dõi của đông đảo nhân dân, du khách.

Liên hoan diễn xướng chầu văn tỉnh Lạng Sơn mở rộng năm 2024 diễn ra đến tối 6/3./.

Vũ Văn Đạt

Xem thêm