Văn hóa

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo và cuộc phiêu lưu với hội họa sơn mài

Ở tuổi 80, Nhà điêu khắc, Họa sỹ Tạ Quang Bạo quyết định bước vào một chuyến phiêu lưu nghệ thuật mới với hội họa sơn mài.

Nhà điêu khắc, Họa sỹ Tạ Quang Bạo. (Ảnh: Thu Hương)

TTXVN - Có người từng ví, Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã dựng nghiệp với đất đá, sắt thép và xi-măng. Ông làm việc như một “nông phu” cần mẫn trên cánh đồng đầy sỏi đá. Ở tuổi 80, ông “bẻ lái” sang vẽ mà lại là vẽ sơn mài. Triển lãm “Hội họa Tạ Quang Bạo” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam của ông đã mang đến cho công chúng và người yêu hội họa một bất ngờ lớn.

* Bất ngờ với hội họa Tạ Quang Bạo

Giới trong nghề và công chúng yêu nghệ thuật khi đến Triển lãm “Hội họa Tạ Quang Bạo” đều không khỏi ngỡ ngàng và khâm phục. Ngỡ ngàng và bị cuốn hút bởi những tác phẩm tranh sơn mài khổ lớn đa dạng về màu sắc, phong phú về nội dung, đồng thời vô cùng khâm phục sức sáng tạo không ngừng nghỉ của tác giả. Đến với sơn mài khi chạm mốc 80 tuổi, ông liên tục sáng tạo và cho ra đời nhiều tác phẩm sơn mài chất lượng, ấn tượng.

Họa sỹ, Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo chia sẻ, khi chạm mốc 80 tuổi, ông quyết định bước vào một chuyến phiêu lưu nghệ thuật mới - hội họa sơn mài bởi đây là chất liệu mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ông muốn đi tiếp con đường mà các bậc tiền bối đã đặt ra, đồng thời hướng đến một cách nhìn mới với hy vọng nghệ thuật sơn mài ngày càng phát triển và vươn ra thế giới. Thông qua triển lãm này, ông muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ tinh thần say mê nghệ thuật, sự lao động, cống hiến không mệt mỏi.

“Tôi đã ở tuổi cuối chiều. Sức lao động đã kiệt, tuy nhiên nghệ thuật sơn mài ở Việt Nam còn rộng và có nhiều điều để nói. Thế hệ trẻ cần phải phấn đấu, lao động, rèn luyện, lao động hăng say, yêu nghệ thuật để sáng tác ra những bức tranh đẹp”, Họa sỹ, Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo nói.

Chia sẻ về triển lãm lần này, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc cho rằng, tranh sơn mài của Tạ Quang Bạo là một bước nối dài của tượng. Ông đã thực sự làm chủ chất liệu sơn mài truyền thống, đem đến cho sơn mài những khả năng, biến hóa mới.

“50 bức tranh không bức nào lặp lại. Đó là 50 trạng thái cảm nghĩ của tác giả về con người, cuộc đời, thiên nhiên quanh ta với bảng màu phong phú, mới mẻ nhất với một họa sỹ sơn mài hiện đại, chỉ dùng chất liệu truyền thống mà tạo nên với cách vẽ tưởng như theo nhiều phong cách hội họa hiện đại thế giới, nhưng xem kỹ lại rất thống nhất một phong cách Tạ Quang Bạo”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa chia sẻ.

Khách tham quan triển lãm "Hội họa Tạ Quang Bạo". (Ảnh: Phương Hà)

Giáo sư, Viện sỹ, họa sỹ Ngô Xuân Bình cho rằng, với triển lãm này, Tạ Quang Bạo không chỉ tạo ra một khuynh hướng, phong cách, sự lớn lao về số lượng mà còn là định dạng về con người, cá nhân ông. Nhìn tổng thể 50 tác phẩm sơn mài, ta có thể thấy sự tương đồng giữa điêu khắc và hội họa của Tạ Quang Bạo.

Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Họa sỹ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, sau nhiều năm thực hiện và thành công với điêu khắc, ở tuổi ngoài 80, Tạ Quang Bạo chuyển sang vẽ sơn mài. Các tác phẩm thể hiện thẩm mỹ tốt, thế giới phong phú. Ở tuổi này, tổ chức thực hiện được triển lãm như vậy là rất đáng khâm phục và kính nể.

* Một nghệ sỹ lớn

Họa sỹ, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo sinh năm 1941 tại Thanh Hóa. Ông tốt nghiệp Trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp và được phân công về công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (khi ấy vừa thành lập). Năm 1966, ông tiếp tục theo học tại Khoa Điêu khắc của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp, đào tạo nghệ sỹ tạo hình trình độ đại học. Năm 1971, Tạ Quang Bạo nhập ngũ, vào chiến trường Khu V. Sau khi rời quân ngũ, ông về công tác tại Bảo tàng Quân đội Việt Nam.

Họa sỹ, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo là một trong số ít người sáng tác nhiều tượng đài nhất ở Việt Nam. Các tác phẩm của ông có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, ý nghĩa giáo dục. Từng là người lính cầm súng ra mặt trận giải phóng dân tộc, hầu hết các tượng đài của ông có chung đề tài về chiến tranh cách mạng. Có thể kể tới một số tượng đài, phù điêu nổi tiếng như: “Chiến thắng Sông Lô” đặt tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ; “Tưởng niệm Noọng Nhai”, tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; “Chiến thắng Quế Sơn”, ở xã Cấm Dơi, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; “Tình hữu nghị Việt - Lào” ở Nghĩa trang đường 9, tỉnh Quảng Trị… Bên cạnh đó, ông còn rất thành công với những sáng tác về quê hương, gia đình, tình yêu.

Sau khi nghỉ hưu, Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo vẫn miệt mài sáng tạo nghệ thuật. Các tác phẩm của ông chủ yếu về đề tài chiến tranh cách mạng với hình ảnh những người mẹ, người phụ nữ Việt Nam kiên cường; người lính anh dũng đã cống hiến xương máu cho Tổ quốc…

Khách tham quan triển lãm "Hội họa Tạ Quang Bạo". (Ảnh: Phương Hà)

Trong cuộc đời sáng tác, Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã đạt được nhiều giải thưởng lớn. Đó là Giải thưởng Mỹ thuật Toàn quốc những năm 1976, 1980; Giải Nhất 10 năm Điêu khắc toàn quốc 1973 -1983; Giải A triển lãm tranh tượng về đề tài lực lượng vũ trang năm 1984... Với những cống hiến cho nền mỹ thuật nước nhà trong lĩnh vực điêu khắc, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001 cho các tác phẩm: “Tình hữu nghị Việt- Lào” (buộc chỉ cổ tay); các tượng đài “Nghĩa trang Buôn Mê Thuột”; “Chiến thắng Xuân Trạch” và “Chiến thắng Nha Trang”.

Năm 2016, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho hai tác phẩm “Tượng đài Chiến thắng Quế Sơn” ở Quảng Nam và “Tượng đài Chiến thắng sông Lô” ở Phú Thọ. Ông là một trong những nghệ sỹ tạo hình đầu tiên thuộc thế hệ kháng chiến chống Mỹ cứu nước được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, Tạ Quang Bạo là một nhà điêu khắc dân tộc từ trong bản chất, nội dung, cách thức, hình thức thể hiện... Từ năm 1980, với những bức tượng như “Cõi mùa hạ”, “Cột trang trí”, “Mẹ và con”, “Tiếng đàn”, “Hội nghị Diên Hồng”, “Giao duyên”... nhất là “Vọng phu”, với sức cảm, sức nghĩ, sức tưởng tượng tuyệt vời cùng nghệ thuật cách điệu của điêu khắc truyền thống dân tộc, ông đã là một nhà điêu khắc đã sớm tìm được con đường cách tân, hội nhập với điêu khắc hiện đại thế giới.

Họa sỹ Thành Chương chia sẻ, dù làm tượng hay vẽ tranh thì Tạ Quang Bạo vẫn có sự tìm tòi, lao động trí tuệ cao nhất. Tất cả các tác phẩm của ông đều được sáng tác bằng sự trăn trở, lao động sáng tạo, tinh hoa của người nghệ sỹ. “Ông đã dành cả đời để sáng tạo không ngừng nghỉ, đóng góp cho đất nước nhiều tác phẩm điêu khắc hoành tráng, tranh sơn mài đẹp, độc đáo… Đó là lao động nghệ thuật có hiệu quả của một nghệ sỹ lớn”, họa sỹ Thành Chương nói.

Họa sỹ, Nhà văn Trần Luân Tín đánh giá, Họa sỹ, Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo luôn mải miết trên hành trình sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ. Ông đã sống, làm việc và sáng tạo như không cần thở. Ông "thở "bằng tác phẩm của mình và dinh dưỡng cho cơ thể bằng sáng tạo của mình. Ông thực sự là một nghệ sỹ đặc biệt, nếu không muốn nói là phi thường.

Giáo sư, Viện sỹ, Họa sỹ Ngô Xuân Bình cho rằng, Nhà điêu khắc - Nghệ sỹ Tạ Quang Bạo là người kế thừa xuất sắc lớp đàn anh gạo cội, khóa I, Trường Mỹ thuật Đông Dương và lớp nghệ sỹ ưu tú mỹ thuật khóa kháng chiến 1950 - 1954. Ông nổi tiếng với điêu khắc và chỉ đến với sơn mài 3 năm, nhưng các tác phẩm của ông có nét riêng, đầy cá tính và có nội hàm xuyên thấu tình người.

“Nghệ sỹ Tạ Quang Bạo là một tài sản, di sản, người có đóng góp vô giá, là lớp người ít ỏi còn lại trên tuổi 80 vẫn còn sung sức làm việc. Ông là biểu mẫu - tâm sáng của những cống hiến thầm lặng nhằm tôn vinh giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc ta”, Giáo sư, Viện sỹ, Họa sỹ Ngô Xuân Bình đánh giá./.


Phương Lan

Tin liên quan

Xem thêm