Gần 50 năm cầm cọ, Tiến sỹ, họa sỹ Phan Thị Thanh Mai vẽ hàng trăm bức tranh chân dung phụ nữ với những nét dịu dàng, bình dị, nhưng vấn toát lên vẻ đẹp nội tâm.
TTXVN - Gần 50 năm miệt mài sáng tác, Tiến sỹ, họa sỹ Phan Thị Thanh Mai vẽ hàng trăm bức tranh, với nhiều chủ đề khác nhau, từ tranh phong cảnh, tranh ngợi ca, cổ vũ quân dân ta chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nhưng những người biết đến họa sỹ Thanh Mai sẽ nhớ đến nhiều bức tranh vẽ chân dung phụ nữ với vẻ đẹp dịu dàng, bình dị, mà vẫn toát lên vẻ đẹp nội tâm sâu thẳm.
* Nữ họa sỹ mê vẽ
Phòng tranh cá nhân trong ngôi nhà ở Giảng Võ (Hà Nội) của họa sỹ Phan Thị Thanh Mai ngổn ngang họa cụ, tranh sơn mài đang trong quá trình sáng tác, hoàn thiện được đặt cẩn thận ở những vị trí khác nhau. Trên tường treo đầy tranh các loại, từ tranh sơn mài, sơn dầu, tranh lụa, tranh giấy dó… Ngoài ra, còn có hàng trăm tác phẩm được xếp gọn gàng ở trong các góc phòng.
Trên bàn làm việc, họa sỹ đang cẩn trọng, tỉ mẩn đưa từng nét vẽ cho tác phẩm còn đang dang dở của mình – đó là một bức tranh vẽ về một thiếu nữ trong tà áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Xung quanh còn vài bức tranh sơn mài đang còn dang dở. Họa sỹ Phan Thị Thanh Mai cho biết, bà đang thực hiện một loạt các tác phẩm về phụ nữ Việt Nam để bổ sung thêm vào bộ sưu tập của mình.
Trò chuyện với chúng tôi, họa sỹ Thanh Mai chia sẻ, bà sinh năm 1948 tại thành phố Vinh, lớn lên ở Hà Nội. Từ khi còn nhỏ, cô bé Thanh Mai đã rất thích vẽ, một lòng muốn theo học mỹ thuật. Vì vậy, năm 1963, khi mới 15 tuổi, Thanh Mai đã thi đỗ và theo học lớp trung cấp mỹ thuật, sau đó thi vào Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tốt nghiệp ra trường năm 1976. Sau này, họa sỹ Thanh Mai trở thành giáo viên giảng dạy ở trường Đại học văn hóa và một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghệ thuật của quân đội và của Hà Nội. Năm 1996, bà bảo vệ thành công luận án tiến sỹ chuyên ngành mỹ học nghệ thuật. Hiện nay, họa sỹ Thanh Mai là Giám đốc Trung tâm UNESCO Mỹ thuật Hà Nội, hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Năm 2001, Trung tâm UNESCO Mỹ thuật Hà Nội có quyết định thành lập (trực thuộc Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội). Trung tâm hoạt động với tiêu chí: Đưa nghệ thuật tranh, tượng đẹp, có chất lượng nghệ thuật... giới thiệu và phổ cập đến với công chúng và những người yêu thích nghệ thuật ở trong và ngoài nước.
Đến nay, Trung tâm UNESCO Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức hàng chục cuộc triển lãm ở nước ngoài, tạo ấn tượng tốt với cộng đồng yêu nghệ thuật ở các nước như Na Uy, Pháp, Hàn Quốc… Các họa sỹ thành viên của Trung tâm đều nhiệt tình tham gia các hoạt động với mong muốn góp một phần tâm sức vào việc phát triển bền vững của mỹ thuật Việt Nam, đưa mỹ thuật Việt đến với thế giới.
Năm 2019, nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Mỹ thuật Quốc tế Hàn Quốc, họa sỹ Phan Thị Thanh Mai cùng một số họa sỹ của Trung tâm UNESCO Mỹ thuật Hà Nội tham gia triển lãm giao lưu nghệ thuật quốc tế lần thứ 26, diễn ra tại thủ đô Seoul – Hàn Quốc. Triển lãm có sự tham dự của nhiều quốc gia trên thế giới, trưng bày hơn 200 tác phẩm thuộc nhiều chất liệu như: sơn dầu, sơn mài, lụa, đồ họa, quốc họa, thư pháp, thủy mạc, acrylic và điêu khắc.
Tại triển lãm này, 6 họa sỹ của Trung tâm UNESCO Mỹ thuật Hà Nội tham dự với 18 tác phẩm sơn mài. Trong đó, tác phẩm sơn mài "Tình mẫu tử" của họa sỹ Phan Thị Thanh Mai được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao và trao Giải thưởng xuất sắc đặc biệt danh giá.
Theo đánh giá của Hiệp hội giao lưu Mỹ thuật Quốc tế Hàn Quốc, Hội đồng nghệ thuật và Ban lãnh đạo Hiệp hội Mỹ thuật Quốc tế, các tác phẩm của họa sỹ Việt Nam có chất lượng tốt và đẹp. Trong đó, tác phẩm tranh sơn mài "Tình mẫu tử" của họa sỹ Phan Thị Thanh Mai được Hội đồng nghệ thuật đánh giá vừa đẹp về hình thức, phong phú về kỹ thuật thể hiện, vừa mang đậm giá trị nhân văn khi thể hiện được tình cảm yêu thương của người mẹ dành cho con, vì vậy, 100% các thành viên Hội đồng nghệ thuật đều nhất trí trao tặng giải thưởng danh giá cho tác phẩm của này.
Năm 2022, họa sỹ Thanh Mai được Hiệp hội Giao lưu Mỹ thuật Quốc tế Hàn Quốc và Diễn đàn văn hóa Quốc tế Hàn Quốc bình chọn và trao tặng Giải thưởng sáng tạo của người nghệ sỹ. Nhưng phải đến tháng 5/2023, đoàn họa sỹ Seoul – Hàn Quốc gồm Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và nhiều họa sỹ mới đến Việt Nam trao tận tay Giải thưởng sáng tạo này cho họa sỹ Phan Thị Thanh Mai. Buổi lễ trao tặng được diễn ra ấm cúng trong văn phòng Trung tâm UNESCO Mỹ thuật Hà Nội, trước sự chứng kiến của Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội và đông đảo họa sỹ.
* Vẽ tranh về phụ nữ phải đẹp
Sau gần nửa thế kỷ miệt mài sáng tác, họa sỹ Thanh Mai đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, giành được nhiều giải thưởng uy tín. Chủ đề trong tranh của họa sỹ Thanh Mai rất đa dạng, bà vẽ tranh phong cảnh thiên nhiên, đất nước Việt Nam tươi đẹp; vẽ tranh ngợi ca, cổ vũ quân dân ta chiến đấu bảo vệ Tổ quốc… Nhưng những người biết đến họa sỹ Thanh Mai cũng như yêu nghệ thuật của bà, sẽ nhớ đến những bức tranh vẽ chân dung phụ nữ với vẻ đẹp dịu dàng, bình dị, mà vẫn toát lên vẻ đẹp nội tâm sâu thẳm.
Ngắm những bức tranh vẽ chân dung phụ nữ của họa sỹ Thanh Mai, người xem đều có chung một ấn tượng là đẹp. Quả thực, phụ nữ trong tranh của họa sỹ Thanh Mai đều mang một vẻ đẹp dịu dàng, cuốn hút, thần thái nhẹ nhàng, thoải mái, mỗi tác phẩm đều toát lên tình cảm riêng của bà đối với phụ nữ.
Họa sỹ Thanh Mai chia sẻ, từ khi bắt đầu học vẽ, bà đã thích và vẽ nhiều tranh về phụ nữ. Phụ nữ và thiếu nhi là mảng đề tài chủ đạo trong các tác phẩm của bà, bởi với bà, phụ nữ Việt Nam đều rất đẹp, rất kiên cường, vừa lao động kiếm tiền, vừa nội trợ, chăm sóc gia đình, trong chiến tranh, phụ nữ sẵn sàng ra chiến trường đánh giặc… đó là những con người đáng trân trọng, đáng được tôn vinh.
"Bản thân tôi tự nhận thấy, khi mình vẽ về phụ nữ cũng đẹp, mềm mại hơn khi vẽ các đề tài khác. Bạn bè có hỏi, sao tôi vẽ toàn người xinh? Tôi đã trả lời: Với tôi, người phụ nữ nào cũng đều rất đẹp, nên mặc nhiên trong tranh cũng sẽ đẹp. Tranh vẽ phụ nữ luôn đẹp và phải đẹp", họa sỹ Thanh Mai nói.
Với họa sỹ Thanh Mai, những nhân vật trong bức tranh của bà đều là những người phụ nữ bình dị. Đó có thể là chính người thân trong gia đình bà như mẹ đẻ, mẹ chồng, con gái, con dâu... Đó cũng có thể là một thiếu nữ duyên dáng bà vô tình bắt gặp trên một chuyến tàu trong một lần đi du lịch, là một phụ nữ người dân tộc bà quen trong một chuyến thực tế đến vùng miền núi, hay một người hàng xóm dễ thương, một đồng nghiệp thân thiện… Mỗi khuôn hình, màu sắc trong tranh đều được trau chuốt, tạo nên chỉnh thể nghệ thuật cho bức tranh.
Ở tuổi 75, nữ họa sỹ Thanh Mai vẫn miệt mài sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật, trong đó vẽ chân dung phụ nữ vẫn là đề tài trọng tâm mà bà yêu thích và dành nhiều thời gian cho chủ đề này.
"Ở tuổi này, tôi không mong gì nhiều, chỉ mong có sức khỏe để được đi đây đi đó du lịch, khám phá thiên nhiên, cảnh sắc ở nhiều nơi, vừa là có thêm chất liệu cho các tác phẩm của mình, bởi với tôi, vẽ là niềm vui, là đam mê, nên khi còn sức khỏe, tôi sẽ còn tiếp tục vẽ", họa sỹ Phan Thị Thanh Mai bày tỏ./.